Vấn đề hỗ trợ người trồng lúa của nhà nước và việc chi trả hỗ trợ theo chỉ đạo
Xin chào văn phòng luật sư Minh Gia, cho e hỏi và tư vấn giúp e trường hợp như sau ạ: khi huyện yêu cầu các xã rà soát số liệu diện tích của từng hộ, Đơn vị xã A đã rà soát, cung cấp số liệu đề nghị hỗ trợ là 150 triệu cho 200 ha/1 địa bàn xã. Số liệu 200 ha xã A rà soát trên sổ đỏ của các hộ. - sau đó xã A làm tờ trình đề nghị xem xét lại diện tích và đồng ý hỗ trợ cho tổng diện tích 200 ha, không thì xã A k thể chi trả tới hộ dân được vì không đủ diện tích và số tiền (vì huyện căn cứ lấy số liệu của bên tài nguyên môi trường chỉ có 140 ha, thiếu 60 ha). - nhưng huyện căn cứ vào số liệu của bên tài nguyên môi trường (số liệu bên môi trường nắm chỉ có 140 ha) và phân bổ kinh phí hỗ trợ cho tổng diện tích 200 ha nhưng lại ghi là được phép hỗ trợ kinh phí cho 140 ha, còn kinh phí tăng thêm 60 ha chưa được phép hỗ trợ. - gần 2 năm xã không chi trả được số tiền hỗ trợ theo nghị định 42 của chính phủ về hỗ trợ người trồng lúa khi có quyết định phân bổ tiền của huyện. Sau đó, chủ tịch mới lên nắm quyên, chủ tịch xã trực tiếp cầm hồ sơ, có ý kiến với phòng, ban liên quan trên huyện vê việc k chi trả được tiền vì thiếu diện tích, thiếu tiền. tôi nghĩ chắc các phòng ban huyện đồng ý nên sau đó chủ tích xã về chỉ đạo tôi tiến hành tính toán tổng số tiền huyện phân bổ để chi trả cho dân, hoàn thiện hồ sơ đưa kế toán để rút tiền chi trả dân (chỉ đạo trực tiếp chỉ có tôi và kế toán ở trong phòng chủ tịch, chứ không có văn bản chỉ đạo), sau đó tôi tính toán số tiền của từng hộ nhận được theo định mức huyện phân bổ ví dụ năm 2012,2013 sô tiền huyện phân bổ hỗ trợ là 15 triệu chỉ cho 140 ha, nhưng theo diện tích của xã là 20 triệu với mức hỗ trợ 52,25%, 55%...tôi tính toán vừa đủ số tiền tổng huyện phân bổ về (cả phần cho chi và phần chưa được chi) và đưa hồ sơ cho kế toán rút tiền về và tôi là người trực tiếp nhận số tiền đó và chủ tịch chỉ đạo trực tiếp tôi đi chi trả. tôi tham mưu cho CT (chủ tịch) làm công văn niêm yết danh sách từng hộ của các thôn , yêu cầu thôn dán tại nhà văn hóa.... và thông báo cho dân biết... hết thời gian niêm yết k có ý kiến thắc mắc thì tôi tham mưu ra thông báo lịch chi trả tiền tới các thôn, thời gian, địa điểm lịch chi trả cụ thể. sau đó tôi trực tiếp đi chi trả tận thôn, có lãnh đạo thôn cùng tham gia chi trả. sau đó tôi lại tham mưu chi trả tiếp lần 2 vì nhiều hộ lần 1 không ra lấy. sau đó tôi tham mưu gọi lãnh đạo thôn lên xã nhận tiền còn lại sau 2 lần chi trả dân vẫn k ra lấy, có biên bản giao nhận tiền với thôn. vậy xét ra, như vậy tôi có phạm lỗi chi sai quy định hay sai như thế nào không, và nếu sai, mức phạt như thế nào ah. tôi cam đoan không lạm dụng lấy tiền đút túi cá nhân. (nhưng đến năm 2015, huyện lại phân bổ kinh phí tiếp về xã với diện tích lại là 211 ha, theo số liệu của phòng tài nguyên huyện) Mong quý luật sư Minh Gia trả lời và tư vấn giúp! Xin chân thành cảm ơn !
Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:
Thứ nhất, việc bạn thực hiện có vi phạm không?
Theo thông tin bạn cung cấp thì việc bạn thực hiện là theo chỉ đạo của cấp trên với đúng số tiền được giao để tiến hành việc hỗ trợ người sản xuất lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP
Điều 11 Nghị định 42 quy định về Chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa như sau:
“Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ người sản xuất lúa như sau:
1. Hỗ trợ sản xuất lúa hàng năm:
a) Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước;
b) Hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
2. Hỗ trợ sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh:
a) Hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70%;
b) Hỗ trợ 50% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%.
3. Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa:
a) Hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; mức chi phí do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định;
b) Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang;
c) Hỗ trợ 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước.
4. Ưu tiên hỗ trợ chi phí bảo hiểm sản xuất lúa theo quy định.
5. Cơ chế hỗ trợ:
a) Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí;
b) Đối với các địa phương có khoản điều tiết từ các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% thì được hỗ trợ 50% kinh phí;
c) Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương.
6. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất lúa theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, Điều này còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước theo quy định hiện hành.”
Như vậy, tại thời điểm đó địa phương bạn phải thực hiện việc hỗ trợ người trồng lúa theo quy định trên dựa trên diện tích thực tế trên sổ đỏ có đối chiếu với số liệu đất trồng lúa của phòng Tài nguyên và môi trường, theo quy định trên thì có các mức hỗ trợ khác nhau đối với người trồng lúa, trong đó có cả việc hỗ trợ việc trồng lúa trên đất chuyên trồng lúa và việc trồng lúa trên đất khác và hỗ trợ với mức khác nhau như vậy bạn cần xác định rõ chính xác địa phương bạn có diện tích trồng lúa theo hai loại này như thế nào.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì kinh phí là do Ủy ban nhân dân cấp Huyện có quyết định phân bổ theo số liệu của phòng Tài nguyên và môi trường và bạn chỉ thực hiện việc chi trả tiền theo chỉ đạo của Chủ tịch xã cho từng hộ sản xuất lúa trong xã như vậy nếu bạn đã thực hiện theo đúng chỉ đạo thì bạn không vi phạm quy định của pháp luật vì việc rút tiển là do kế toán thực hiện và việc bạn chi trả cũng được thực hiện công khai có giấy tờ và người làm chứng.
Thứ hai, nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?
Bạn không cung cấp thông tin bạn giữ chức vụ gì tại Ủy ban nhân dân xã, nếu là người có chức vụ, quyền hạn vi phạm thì tùy theo mức độ và tính chất của hành vi thì bạn có thể bị xử lý kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Bạn có thể tham khảo cấu thành tội quy định tại Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009:
"1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất