LS Trần Liên

Vấn đề chốt sổ BHXH muộn của doanh nghiệp

Công ty tôi là Công ty Cổ phần, từ năm 2008 đến 2015, số lao động tại công ty nghĩ việc giữa chừng rất nhiều, số sổ BHXH của những lao động nghĩ việc đa phần là chưa chốt sổ. Bây giờ Công ty đứng ra làm giải quyết chốt sổ và xin nhận 1 chế độ 1 lần cho lao động có được k?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc giải quyết chốt sổ bảo hiểm xã hội. Công ty bạn có nhiều người nghỉ việc trong khoảng từ năm 2008 cho tới nay và chưa chốt sổ bảo hiểm. Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012  quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán”.

Vậy, trong thời hạn từ 7 tới 30 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục chốt sổ và bàn giao lại sổ  bảo hiểm xã hội đã chốt cho người lao động. Công ty mới chỉ tiến hành thủ tục báo giảm bảo hiểm nhưng chưa tiến hành thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội để trả lại cho người lao động.

Hiện tại, công ty bạn muốn chốt sổ bảo hiểm cho những người lao động đã nghỉ việc từ năm 2008 tới nay thì trường hợp này bạn  liên hệ với phía bên bảo hiểm xã hội để tiến hành chốt sổ  bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động. Công ty phải có công văn giải trình gửi tới cơ quan bảo hiểm. Nội dung công văn giải trình phải giải thích rõ ràng lí do vì sao công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội muộn và giải trình từng trường hợp cụ thể đối với từng người lao động.

Thứ hai, về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Sau khi được cơ quan bảo hiểm giải quyết chốt sổ bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền nộp hồ sơ yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu

“1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;

c) Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội. ...”

Theo quy định này, người lao động của công ty bạn muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải đáp ứng được một trong những điều kiện sau:

- Chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

- Có nguyện vọng hưởng BHXH một lần;

 -Sau 12 tháng nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH;

Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

“ Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.”

Ví dụ: Anh A ký kết hợp đồng với công ty từ năm 2006 tới năm 2009 thì xin nghỉ việc, anh đóng bảo hiểm được 3 năm, mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm là 4 triệu đồng.   Mức bảo hiểm một lần cho A như sau: 3 năm x ( 1,5 x 4 triệu) = 18 triệu.

Những người lao động đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm xã hội một lần gửi 01 bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hôi.

* Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần gồm:

- Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính);

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần của người lao động (Mẫu số 14-HSB, bản chính);

- Quyết định nghỉ việc (bản chính hoặc bản sao) hoặc quyết định thôi việc (bản chính hoặc bản sao) hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động hết hạn (bản chính hoặc bản sao) đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169