Văn bản quy phạm pháp luật là gì?
1. Văn bản quy phạm pháp luật là gì?
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo định nghĩa được đưa ra trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định.”
Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
2. Đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật
- Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật do những cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện, gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND các cấp, UBND các cấp.
Ngoài ra, văn bản quy phạm pháp luật còn được ban hành bởi Đoàn Chủ tịch UB trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với UBTV Quốc hội hoặc Chính phủ, các chủ thể phối hợp với nhau để ban hành Thông tư liên tịch.
- Thứ hai, nội dung của văn bản quy phạm pháp luật là các quy phạm pháp luật được áp dụng nhiều lần trong thực tiễn và là cơ sở để ban hành các văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính thông dụng.
- Thứ ba, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo hình thức do pháp luật quy định
Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo hình thức có nghĩa là đúng tên loại văn bản và đúng thể thức, kĩ thuật trình bày. Theo quy định của pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật phải có đủ và trình bày đúng những yếu tố như: quốc hiệu, tiêu ngữ, tên cơ quan ban hành, số, kí hiệu văn bản, địa danh, thời gian ban hành, tên văn bản, trích yếu nội dung, chữ kí, nơi nhận.
- Thứ tư, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuân theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Các bước trình tự như sau: Lập chương trình xây dựng văn bản; Soạn thảo; Lấy ý kiến đóng góp; Thẩm định, thẩm tra; trình, thông qua, kí chứng thực và ban hành.
3. Các loại văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền ban hành
Văn bản quy phạm pháp luật được chia thành các loại: Văn bản quy phạm mang quy phạm chung (Chứa đựng quy phạm nguyên tắc, giải thích, tuyên bố); Văn bản mang quy phạm riêng (Chứa đựng những quy phạm cấm đoán, bắt buộc, cho phép và trao quyền). Ngoài ra còn có văn bản mang quy phạm thủ tục,...
Theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền ban hành gồm:
- Hiến pháp.
- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Tài liệu tham khảo:
- Giáo trình Xây dựng văn bản pháp luật / Trường Đại học Luật Hà Nội ; Đoàn Thị Tố Uyên chủ biên ; Hoàng Minh Hà, Trần Thị Vượng, Cao Kim Oanh.
- Giáo trình Lí luận chung về nhà nước và pháp luật / Trường Đại học Luật Hà Nội ; Chủ biên: Nguyễn Minh Đoan, Nguyễn Văn Năm ; Nguyễn Văn Động ...
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất