Trần Phương Hà

UBND có được tự ý hủy hoại hoa màu của người dân trồng trên đất mương?

Luật sư tư vấn trường hợp trồng trọt hoa màu trên phần đất mương do địa phương đã lấy đất để đắp đê chống ngập và bị Uỷ ban nhân xã phá bỏ hoa màu của gia đình. Nội dung tư vấn như sau:

 

Nội dung câu hỏi: Xin nhờ luật sư tư vấn. Gia đình em có mảnh đất nông nghiệp đang canh tác, và gần mảnh đất đó có 1 mương do địa phương đã lấy đất để đắp đê chống ngập, và gia đình e có tăng gia ở khu vực đó bằng cách bồi đắp san lấp và trồng cây hoa màu trên đó. Nay chính quyền ủy ban nhân xã có chủ chương dồn điền đổi ruộng, và diện tích đất tăng gia đó không thuộc diện tích quy hoạch trong chủ trương đó nhưng chính quyền thôn đã cho người phá hoại và không thừa nhận việc đó. Xin hỏi luật sư gia đình nhà e có sai hay không và việc làm của chính quyền địa phương như vậy có đúng với các quy định của nhà nước hay không? Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau

 

Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn đã thực hiện trồng trọt hoa màu trên phần đất mương mà địa phương đã lấy đất để đắp đê chống ngập. Phần mương này không thuộc phần quyền sử dụng đất của gia đình bạn. Do đó, gia đình bạn không có quyền sử dụng trên phần đất này vì theo quy định tại Điều 170 Luật đất đai 2013 thì một trong các nghĩa vụ của người sử dụng đất là việc sử dụng đất phải đúng mục đích, ranh giới thử đất. Cụ thể:

 

"Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất

 

1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

 

3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

 

4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.

 

5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

 

6. Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

 

7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng."

 

Như vậy có thể xác định hành vi trồng trọt hoa màu, tăng gia sản xuất của gia đình bạn trên đất mương khi chưa có sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý hành vi lấn, chiếm đất đai của gia đình bạn bằng hình thức phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả lại phần đất lấn chiếm, khôi phục tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với gia đình bạn của cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đó là trước tiên phải lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp gia đình bạn không thực hiện theo Quyết định xử phạt hành chính thì cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành cưỡng chế buộc gia đình bạn thi hành quyết định. Như vậy, việc Uỷ ban nhân xã tự ý cho người đến hủy hoại hoa màu trên đất do gia đình bạn trồng khi chưa thực hiện các thủ tục xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật. Gia đình bạn có quyền gửi đơn khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện để yêu cầu xem xét xử lý vi phạm của Uỷ ban nhân dân xã.

 

Đồng thời, bạn có thể tố cáo hành vi của cá nhân thực hiện hủy hoại hoa màu của gia đình bạn đến cơ quan có thẩm quyền. Tùy thuộc vào giá trị hoa màu, tài sản bị hủy hoại để áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi hủy hoại tài sản của người khác.Cụ thể, hành vi hủy hoại tài sản của người khác bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

 

"Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

 

...2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;..."

 

hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

 

"Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

 

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 
 


a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; 

 

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 

 

đ) Tài sản là di vật, cổ vật."

 

Bên cạnh đó, gia đình bạn có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức đã có hành vi xâm phạm tài sản của gia đình bạn trên đất mương phải bồi thường thiệt hại.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia cho câu hỏi của bạn.

 

Trân trọng

Phòng Luật sư tư vấn Đất đai - Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo