Tự ý làm thẻ cho khách hàng có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Nội dung tư vấn: Chào anh, chị công ty Luật Minh Gia,Tôi được biết đến công ty luật Minh Gia thông qua trang web với các bài trả lời, giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật với các thông tin rất bổ ích. Nay tôi có một vấn đề kính mong luật sư tư vấn giúp.Tôi hiện có người bạn là nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần. Anh bạn tôi trong quá trình làm việc có thực hiện mở thẻ tín dụng cho khách hàng trái quy định của ngân hàng (khách hàng thực tế không có nhu cầu mở thẻ) và tiến hành rút tiền/chi tiêu với số tiền hơn 2 tỷ đồng.Luật sư cho tôi hỏi anh bạn tôi có đủ điều kiện cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản không?Với số tiền vi phạm như trên, mức hình phạt là như thế nào ạ?Kính mong luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!Thân ái,
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:
Với trường hợp của bạn thì cần xác định cụ thể về hai hành vi làm thẻ trái pháp luật và tiến hành rút tiền, hai hành vi này là độc lập hay được thực hiện đối với cùng một chủ thể là khách hàng bởi lẽ việc xác định trách nhiệm sẽ liên quan đến hai vấn đề này.
Thứ nhất, nếu như người này thực hiện hành vi mở thẻ cho khách hàng và tiến hành rút tiền từ tài khoản tương ứng của khách hàng từ thẻ khác của khách đã được đăng ký tại chi nhánh khác của ngân hàng này thì hành vi này được coi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bởi lẽ, người này đã sử dụng những thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng ngay từ ban đầu mà chưa được thông qua hợp đồng nên không được coi là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Và khi đó, anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 như sau:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp...”
Thứ hai, nếu như hành vi tự ý mở thẻ và hành vi rút tiền chi tiêu là độc lập với nhau; tức hành vi rút tiền này là tự ý rút tiền của ngân hàng thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm trong quan hệ lao động giữa anh ta và phía ngân hàng vì đã vi phạm những quy định trong hợp đồng lao động, nội quy,... khi các bên giao kết hợp đồng; còn đối với hành vi tự ý rút tiền của ngân hàng thì lúc này cần xác định nguồn tiền mà anh ta rút là từ đâu, từ những tài khoản của những khách hàng khác hay anh ta tự kê khai các khoản chi tiêu để rút tiền,... Nếu như anh ta tự ý rút tiền từ những tài khoản của khách hàng khác trong sự quản lý của anh ta thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
" Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
...
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm”.
Trân trọng
Chuyên viên Phương Lan - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất