LS Hồng Nhung

Tự vệ khi bị hành hung có bị xử lý hình sự không?

Thưa luật sư, tôi và em tôi đang đi trở lúa ở đồng về, đang đi trển đường thì gặp một chiếc xe đầu dọc đi ngược chiều, em tôi tránh về một bên cho xe kia đi trước thì có một thanh niên đang ngồi bên dìa đường cầm điện thoại bấm đèn rọi vào mặt em tôi, em tôi bảo "em ơi tắt đèn đi cho anh đi cái" thì thanh niên B đó liền đứng dậy chửi em tôi và đánh em tôi vào mặt luôn.

 

Trong khi đó em tôi đang ngồi trên xe lúa, có một thanh niên khác chạy lại ôm cổ em tôi cho B đánh, khi tôi chay lại can thì B đánh luôn tôi. rồi B lại quay lại đánh em tôi nữa em tôi không làm gì được thì thấy bên đường có cái tay quay của xe đầu dọc liền lấy đập vào đầu B bị chảy máu mẹ của B đanng ở nhà chạy ra và không biết thế nào lại ra đánh tôi , rồi cả 2 mẹ con cứ đánh vào đầu tôi. Luật sư cho em hỏi em trai em có bị tội cố ý gây thương tích không?

 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đối với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp, việc thanh niên B đánh em bạn và bạn là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên có đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo bộ luật hình sự hay không thì phải xem thương tích của bạn và em bạn như thế nào thì mới xem xét về việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này của thanh niên B. Ngoài ra, Việc em bạn lấy cái quay tay của xe đầu dọc đập vào đầu B khi bị B đánh là phòng vệ chính đáng hay cố ý gây thương tích thì phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự để xem xét. 

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 về Phòng vệ chính đáng của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 136 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 134 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác  của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

 

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

 

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

 

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

 

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

 

h) Có tổ chức;

 

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;...”

 

Đối với trường hợp của bạn, vì em trai bạn đang bị B đánh không thể làm gì khác nên lấy cái quay tay của xe đầu dọc đập vào đầu B, đây là hành vi cần thiết nhằm đẩy lùi sự tấn công, chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, hành vi của em trai bạn dẫn đến hậu quả là B bị chảy máu. Do đó, để xác định hành vi của em trai bạn là hành vi phòng vệ chính đáng hay cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay là tội cố ý gây thương tích thì phải xác định hành vi chống trả của em bạn có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không. Việc xác định này phải căn cứ vào các quy định trên và kết quả của cơ quan điều tra thông qua việc xác minh tại hiện trường, lấy lời khai.. và phải dựa vào mức độ thương tật của B. 

 

Như vậy, sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả mọi mặt, nếu xét thấy hành vi chống trả của em trai bạn là cần thiết và phù hợp với tính chất cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại của B thì đó là hành vi phòng vệ chính đáng. Nếu như hành vi chống trả của em trai bạn được xét là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và nếu tỷ lệ thương tật của bên người bị hại từ 31% trở lên thì em trai bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 của Bộ Luật hình sự. Nếu em bạn cố ý gây thương tích mà không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà đáp ứng tỉ lệ thương tật theo quy định thì em bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 134 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác của Bộ luật hình sự năm 2015.

 

 

Trân trọng!

Cv Dương Thị Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo