Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn xây dựng thang lương, bảng lương làm thêm giờ.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi ở Hải Phòng, làm cho một công ty có tàu vận tải biển. Hiện nay đang nghiên cứu, tìm hiểu về thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của bộ luật lao để xây dựng bảng lương, thu nhập tháng cho thuyền viên tại đơn vị.

Tôi nhờ Công ty tư vấn giúp vấn đề sau:

1. Theo điều 106 Làm thêm giờ của Bộ luật lao động có quy định về thời gian làm thêm giờ. Tôi chưa hiểu lắm trong khoản b của điều 106 quy định số giờ làm thêm không quá 30h trong một tháng là được tính như thế nào. Nó có là số quy chuẩn để xây dựng lương ngoài giờ cho thuyền viên đi tàu được không? (Trong trường hợp không chấm lương ngoài giờ và trả lương cố định cho thuyền viên) Nếu xây dựng mức lương ngoài giờ cho thuyền viên đi tàu thì mình sẽ căn cứ vào đâu để có một mức lương chuẩn phù hợp với quy định của PL và công thức tính thế nào. Tôi đang rất lúng túng trong vấn đề xây dựng mức lương ngoài giờ để trả cho thuyền viên, rất mong Công ty tư vấn, giúp đỡ.

Hiện tại Công ty tôi đang thực hiện trả lương cố định cho thuyền viên trên cơ sở: lương cơ bản, phụ cấp trách nhiệm, lương ngoài giờ, lương phép,...để tính tổng mức thu nhập một tháng cho thuyền viên. Đối với mức lương ngoài giờ được tính 50% của mức lương cơ bản (Ví dụ một người có thu nhập là 7 triệu, thì lương ngoài giờ sẽ là: 3,5 triệu). Như vậy có được gọi là trả trên luật hay không?
 

2. Trước đây Công ty tôi là Công ty nhà nước sau chuyển sang CP và có thành lập các Công ty thành viên và điều chuyển nhân viên sang Cty thành viên đó. Nay họ chấm dứt HĐLĐ thì Công ty tôi trả tiền trợ cấp cho họ trên cơ sở: Tính từ thời gian họ vào Công ty đến khi chuyển sang Công ty thành viên với hệ số lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP  tại thời điểm đó nhân với mức lương tối thiểu vùng hiện nay là 1.150.000 đồng để trả tiền trợ cấp thôi việc cho họ. Ví dụ:

HSL NĐ: 3,49 * 1.150.000đ * 22 năm công tác tại Công ty * 1/2 tháng lương
Với cách trả tiền trợ cấp như vậy có đúng không ạ?
Rất mong nhận được phản hồi từ phía Luật MG. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về câu hỏi số 1: Xây dựng thang lương, bảng lương làm thêm giờ.

Thứ nhất, về quy định làm thêm giờ, Điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định về Làm thêm giờ, như sau:

“1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

Điều luật này quy định về số giờ tối đa mà pháp luật cho phép người lao động được làm thêm giờ trong 1 ngày; 1 tuần; 1 tháng; 1 năm.

Người sử dụng lao động có thể sắp xếp thời gian làm thêm giờ cho người lao động để phù hợp với công việc thực tế, nhưng phải đảm bảo thời gian làm thêm giờ không được quá 4 giờ nếu tính theo ngày; 30 giờ nếu tính theo tháng; 200 giờ nếu tính theo năm.

Cụ thể hơn, về thắc mắc của bạn đối với quy định số giờ làm thêm của người lao động “không quá 30 giờ trong 1 tháng” có thể hiều là: trong thời gian 1 tháng, người lao động có thể làm thêm 4 giờ trong 1 ngày hoặc 3 giờ trong 1 ngày….vvv, nhưng cộng tổng số giờ làm thêm của 1 người lao động trong 1 tháng không được quá 30 giờ.  

Thứ hai, về việc xây dựng lương ngoài giờ cho thuyền viên đi tàu.

Điều 106 quy định về số giờ tối đa mà người lao động được làm thêm giờ. Theo đó người sử dụng lao động có thể sắp xếp số giờ làm thêm sao cho phù hợp với công việc thực tế trong giới hạn mà pháp luật cho phép.

Về việc tiền lương được tính trong thời gian làm thêm giờ của người động, thì người sử dụng phải tuân thủ theo quy định sau:

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”

Điều luật này quy định về mức lương tối thiểu mà người lao động được hưởng khi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ngày nghỉ. Đây là mức tiền lương tối thiểu mà pháp luật cho phép, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận mức lương làm thêm giờ cao hơn để phù hợp với tính chất công việc.

Tóm lại, để xây dựng một mức lương cho người lao động phù hợp với quy định của pháp luật, trước hết các bên cần đáp ứng mức tiền lương cơ bản thỏa thuận trong hợp đồng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà Nhà nước quy định, đối với làm thêm giờ thì số giờ làm thêm không được vượt quá mức tối đa mà Điều 106 quy định, về tiền lương làm thêm giờ không được thấp hơn mức tối thiểu mà Điều 97 quy định.

Thứ ba, về thắc mắc lương trả “trả trên luật hay không” thì pháp luật chỉ quy định mức lương tối thiểu mà các bên được phép thỏa thuận chứ không giới hạn mức lương tối đa. Bởi vậy các bên có quyền tự do thỏa thuận về mức lương sao cho phù hợp với tính chất công việc. Mặt khác, tiền lương làm thêm giờ nhiều hơn hay ít hơn so với tiền lương cơ bản phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên về thời gian làm thêm giờ và mức lương làm thêm giờ. Bởi vậy, không đặt ra vấn để trả lương có “trả trên luật hay không”

Về câu hỏi thứ 2: Cách tính để trả trợ cấp thôi việc cho người lao động được quy định cụ thể như sau:  

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Trân trọng !

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169