Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về xử lí hành vi lấn chiếm đất đai.

Quy định về xử lí hành vi lấn chiếm đất đai: mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt.

 

Câu hỏi:

 

Gia đình tôi có đơn đề nghị gửi UBND Phường về việc nhà giáp ranh lấn chiếm đất và xây bức tường vít cửa lách. Kết luận của UBND phường dựa trên mốc tường cũ vẫn còn, trên sổ đỏ, và số liệu đo đạc của cty đo đạc và hồ sơ ký giáp ranh giữa hai hộ từ năm 2001 thì nhà giáp ranh đã lấn chiếm và dựng chuồng gà trên phần đất của gia đình tôi, trong Biên Bản kết luận có ghi rõ thời hạn cuối cùng yên cầu nhà giáp ranh dỡ bỏ công trình đã xây dựng trên. Quá thời hạn trên, gia đình họ vẫn ko dỡ bỏ để trả lại phần đất đó, UBND phường đã ra thông báo đúng ngày 03/7/2016 phải dỡ bỏ nhưng tới nay họ vẫn chưa làm.

 

Vậy cho tôi hỏi: dựa trên biên bản kết luận và thông báo nói trên gia đình tôi có được tự ý dỡ bỏ? Nếu không tự ý dỡ bỏ được thì phía gia đình tôi làm gì để lấy lại được phần đất đang bị lấn chiếm.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ  Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ – CP quy định xử phạt hành chính về hành vi lấn, chiếm đất như sau:

 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

 

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

 

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

….

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

 

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

 

Và căn cứ theo khoản 2 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ – CP quy định về thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính:

 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

 

a) Phạt cảnh cáo;

 

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

 

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

 

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

 

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

 

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm.

 

Như vậy, bạn không có quyền tự ý dỡ bỏ công trình xây dựng trái pháp luật của gia đình kia, nếu hết thời hạn được ghi trong biên bản yêu cầu dỡ bỏ công trình lấn chiếm của UBND phường mà gia đình kia không thực hiện dỡ bỏ thì bạn có quyền làm đơn tố cáo hành vi lấn chiếm đất đai nên UBND cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết,  xử lý.

 

Nếu xét thấy gia đình kia có hành vi lấn chiếm đất đai thì chủ tịch UBND huyện sẽ ra quyết định xử lý hành chính và buộc dỡ bỏ và trả lại đất lấn chiếm theo quy định của pháp luậtSau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định yêu cầu dỡ bỏ công trình xây dựng, lấn chiếm đất đai mà gia đình kia vẫn không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

 

Căn cứ theo Nghị định 166/2013/NĐ – CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

 

- Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.

 

- Đối với quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, UBND cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày để phối hợp thực hiện.

 

- Người đã ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó. Khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.

 

- Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế. Khi thực hiện cưỡng chế phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

 

- Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.

 

- Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

 

- Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện.

 

- Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về xử lí hành vi lấn chiếm đất đai.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga – Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo