Thời hạn xóa án tích là gì? Cách tính thời hạn xóa án tích?
Mục lục bài viết
1. Về thời hạn xóa án tích
Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm thời hạn xóa án tích tuy nhiên có thể hiểu thời hạn xóa án tích là khoảng thời gian tính từ khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt cho đến khi hết thời gian theo quy định của pháp luật mà người phạm tội không thực hiện hành vi phạm tội mới và đã chấp hành đầy đủ các nội dung theo bản án, quyết định của Tòa án.
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) xóa án tích bao gồm:
- Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70);
- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71);
- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72).
Người bị kết án được xóa án tích khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72 Bộ luật hình sự. Sau khi được xóa án tích người bị kết án được coi như chưa bị kết án.
Đối với người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt thì không bị coi là có án tích.
2. Về cách tính thời hạn xóa án tích
Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, tùy vào từng trường hợp mà việc xóa án tính có thể được tính thời hạn khác nhau. Cụ thể như sau:
Trong trường hợp người bị kết án đương nhiên được xóa án tích hoặc được xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì thời hạn để xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
Đối với trường hợp người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
Đối với trường hợp người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.
Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.
3. Việc xóa án tích trong trường hợp cụ thể
Nội dung câu hỏi: Chào Luật sư,Tôi xin trình bày trường hợp của tôi như sau mong Luật sư tư vấn giúp.- Vào năm 200x chị tôi có bị bắt và bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án 12 năm tù giam về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (cụ thể là làm hụi). Tình tiết của vụ án lúc đó tôi không nắm rõ.
Đến năm 201x do cải tạo tốt nên chị tôi được tha trước thời hạn và cho đến nay không phạm tội.- Năm nay, 1 người chị khác đã di cư sang Mỹ (1994) và đã có quốc tịch bắt đầu làm hồ sơ bảo lãnh chị tôi (người bị giam giữ) diện F4. Theo lịch chiếu kháng thì đến khoảng tháng 6 năm 202x thì sẽ đến hồ sơ của chị tôi.
Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn về việc xóa án tích để khi được gọi chị tôi có thể được phỏng vấn.
1. Nếu như những người khởi kiện lúc đó đã mất hoặc không còn ý định đòi bồi thường thì chị tôi cần làm những thủ tục gì để được xóa án tích.
2. Nếu cần phải bồi thường mới được xóa án tích thì sẽ thực hiện ra sao. Xin cảm ơn Luật sư.
Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với nội dung anh vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:
Theo thông tin anh cung cấp, người nhà anh bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nằm trong các tội đương nhiên được xóa án tích. Cụ thể tại Điều 70 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định như sau:
“1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
…”
Căn cứ theo quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của anh, chị anh bị kết án 12 năm tù, đã chấp hành xong hình phạt tù. Theo quy định nêu trên, thời hạn để đương nhiên được xóa án tích với trường hợp của anh là 03 năm tính từ thời điểm chấp hành xong hình phạt tù và người nhà anh đã thực hiện xong các nghĩa vụ khác của bản án.
Trên thực tế, mặc dù từ thời điểm người nhà anh chấp hành xong hình phạt tù đến nay đã qua thời hạn 03 năm đồng thời không thực hiện hành vi phạm tội mới từ khi chấp hành xong hình phạt đến thời điểm hiện tại nhưng do chưa hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nên người nhà của anh chưa được xóa án tích.
Hiện tại, nếu hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thì người nhà anh sẽ đương nhiên được xóa án tích.
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, trước tiên người nhà anh cần liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự và trình bày về việc người được thi hành án không còn ý định yêu cầu bồi thường hoặc người được thi hành án đã chết và đề nghị cơ quan thi hành án hỗ trợ giải quyết. Trong trường hợp người được thi hành án không có ý định nhận tiền bồi thường thì phải có xác nhận của người được thi hành án về vấn đề này. Đối với những người được thi hành án đã chết thì việc bồi thường sẽ do những người thừa kế của họ nhận.
Việc bồi thường này phải được sự xác nhận của cơ quan thi hành án, khi đó mới có căn cứ để xác định người nhà anh đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường theo nội dung bản án và đương nhiên được xóa án tích theo quy định pháp luật.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất