LS Xuân Thuận

Xâm phạm quyền riêng tư cá nhân bị xử lý thế nào?

Pháp luật quy định như thế nào về quyền bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư? Trường hợp cá nhân có hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác thì xử lý như thế nào? Có phải tất cả các trường hợp vi phạm đều xử phạt hành chính không?

1. Tư vấn quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Vấn đề này đã được pháp luật quy định rất chặt chẽ và chi tiết.

Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác đang ngày có xu hướngg gia tăng cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ.

Trường hợp người khác đang xâm phạm quyền bí mật cá nhân và bạn đang gặp khó khăn trong việc không biết xử lý như thế nào thì bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn dưới đây để có thể hiểu thêm về phương thức xử lý hành vi xâm phạm quyền bí mật cá nhân.

2. Xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân bị xử lý thế nào?

Câu hỏi:

Tôi đang công tác tại một cơ quan nhà nước, có vụ việc như sau: Tôi phụ trách bên khâu kỹ thuật máy tính, tôi có tạo nick zalo trực tiếp trên máy tính của cơ quan tôi làm việc, vào một ngày tôi được lệnh đi công tác ở bên ngoài không có vào cơ quan, bà C là lãnh đạo lại ngay máy tính tôi làm việc mở máy lên và vào zalo của tôi đọc tin nhắn riêng của tôi với bạn tôi.

Trong nội dung tin nhắn tôi với bạn tôi nói về vấn đề tiền bạc và nhiều vấn đề khác... Bà C đọc xong lấy điện thoại chụp hình lại và in nội dung tin nhắn ra giấy đem tham mưu cho lãnh đạo xem rồi kỷ luật tôi. Cho tôi hỏi với hành động trên của bà C có phạm luật không? Tôi phải làm như thế nào để đòi lại công bằng cho tôi khi bị người khác xem lén tin nhắn riêng của tôi mà không được tôi chấp thuận. Tôi thành thật cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”.

Điều 46 Luật Giao dịch Điện tử 2005 quy định: "Bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”.

Đồng thời, Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác như sau:

“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Như vậy, với trường hợp này do việc bạn bị kỷ luật chưa phải hậu quả nghiêm trọng, nếu bà C đã nhiều lần xem tin nhắn khi chưa có sự cho phép của bạn hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để truy cập vào máy tính, vào zalo và xâm phạm đời tư của bạn, bạn có thể tố cáo bà C ra cơ quan công an với hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của bạn và bà C có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 159 Bộ luật Hình sự như trên. (Chi tiết hơn về tội này bạn có thể tham khảo bài viết "Tư vấn về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác" đã đăng trên trang web Luật Minh Gia)

Nếu bà C mới một lần xem tin nhắn khi chưa có sự cho phép của bạn, hoặc không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để truy cập vào zalo của bạn, hậu quả cũng chưa nghiêm trọng, thì hành vi của bà C chưa phạm vào tội hình sự nhưng vẫn là không đúng với luật dân sự, như vậy bạn có thể yêu cầu bà C xin lỗi công khai và nếu bạn tố cáo thì bà C có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.

-----

3. Trách nhiệm khi phạm về quyền hình ảnh

Câu hỏi:

Qua các trang mạng xã hội tôi được biết có 1 cửa hàng bán đồ bảo hộ sử dụng hình ảnh của tôi, do  bạn tôi chụp hình mà cửa hàng đó không xin phép, hình ảnh đó đăng trên website và ảnh hưởng tới công việc của tôi rất nhiều, tôi muốn người đó chấm dứt sử dụng hình ảnh của tôi để quảng cáo cho cửa hàng, tôi đã chủ động gọi  điện nhưng không được, vậy tôi muốn kiện thì phải làm đơn và thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, tôi tư vấn như sau:

Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”

Như  vậy, căn cứ theo quy định này thì bạn hoàn toàn có quyền hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của bạn vào mục đích kinh doanh riêng của họ phải được sự đồng ý từ cá nhân bạn. Trường hợp việc sử dụng hình ảnh của bạn mà ảnh hưởng đến công việc của bạn thì bạn có quyền yêu cầu bên họ dừng việc sử dụng ảnh của bạn và công khai xin lỗi bạn,có bồi thường nếu bạn chứng minh được thực tế thiệt hại xảy ra.

Trường hợp bạn đã chủ động gọi điện nhưng không liên hệ được thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án huyện mà cửa hàng đó đặt địa điểm kinh doanh.Bạn có thể gửi kèm theo hồ sơ chứng minh việc vi phạm quyền hình ảnh của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo