Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Nội dung tư vấn: Em là nữ, năm nay 21 tuổi.Thưa luật sư cho em hỏi bố mẹ em đã có xích mích nhiều năm nay rồi. Trong khoảng thời gian đó (sống chung, mọi chi tiêu sinh hoạt là do mẹ em lo, bố không bao giờ chi tiền cho sinh hoạt chung hay cho con cái) thì bố em có rất nhiều lần đánh đập, chửi bới, xúc phạm mẹ em; có nhiều lần còn phá hoại đồ đạc, nhà cửa, thậm chí đốt nhà, đuổi mẹ đi rồi ăn trộm hết tiền của mẹ.

 

Việc xảy ra từ khi em còn nhỏ đến bây giờ em đã 21 tuổi. Có lần cũng đốt nhà rồi đuổi cả mẹ em, em và em trai em ra khỏi nhà giữa đêm. Lần gần đây nhất là 2 hôm trước bố có say rượu và dùng gậy sắt đánh vào đầu và tay mẹ.Luật sư cho em hỏi những việc làm trên của bố em thuộc vào tội nào, và những hướng giải quyết vấn đề? Có cần nhân chứng không? Em có thể đứng ra làm chứng không? Kể cả những việc xảy ra khi em còn nhỏ. Em mong được Luật sư tư vấn luôn về thủ tục ly hôn. Những tài sản đứng tên mẹ em hay đứng tên em nhưng có được sau khi kết hôn với bố em thì xử lý như nào? Em trai em năm nay mới 12 tuổi thì có được chuyển những tài sản đứng tên mẹ em cho em trai em không? Em xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, trách nhiệm của bố bạn khi đã thực hiện hành vi bạo lực với mẹ bạn.

 

Căn cứ theo Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 qui định về hình thức xử lý hành vi bạo lực gia đình như sau:

 

“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

 

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.”

 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì cha bạn đã thực hiện đánh vào đầu và tay mẹ bằng gậy sắt. Trong trường hợp này cha bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội cố ý gây thương tích.

 

Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội cố ý gây thương tích:

 

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;....”

 

Và ở đây, kể cả mức độ thương tật của mẹ bạn dưới 11% thì bố bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này vì đã sử dụng hung khí nguy hiểm ( gậy sắt ).

 

Tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP nêu trên đã hướng dẫn:

 

“2.1. Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ). 2.2. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. 

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên: Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”.

 

Thứ hai, hướng giải quyết vấn đề này.

 

Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:

 

“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

 

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

 

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm...”

 

Như vậy, mẹ bạn có thể gửi đơn tố giác tới những cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên. Trong trường hợp vụ án thuộc khoản 1 Điều 134 mà trước khi vụ án được đưa ra xét xử bố bạn ăn năn, hối lỗi thì mẹ bạn có thể rút đơn yêu cầu khởi tố, vụ án sẽ được đình chỉ.

 

Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

 

Điều 66. Người làm chứng

 

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

 

2. Những người sau đây không được làm chứng:

 

a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

 

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

...”

 

Trường hợp trên bạn là nhân chứng, có nghĩa vụ khai báo những tình tiết mà mình biết về vụ án với cơ quan có thẩm quyền.

 

Thứ ba, thủ tục đơn phương ly hôn.

 

  • Căn cứ cho ly hôn: Tòa án xem xét, quyết định cho ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện về tình trạng vợ chồng mẫu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được.

 

  •  Hồ sơ khởi kiện xin ly hôn gồm có:

 

+   Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

 

+   Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

 

+   Sổ hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực);

 

+   Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);

 

+   Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực).

 

Mẹ bạn có thể nộp đơn đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi mà cha bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

 

Thứ tư, về vấn đề chia tài sản khi ly hôn.

 

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

 

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

 

Đồng thời Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định về tài sản riêng của vợ, chồng:

 

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

 

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

 

Như vậy, đối với những tài sản đứng tên mẹ bạn nhưng hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận đây là tài sản riêng của mẹ chị hoặc đây là tài sản mẹ chị được tặng cho riêng, thừa kế riêng. Về nguyên tắc sau khi ly hôn tài sản chung sẽ do hai bên thỏa thuận, nếu thỏa thuận không rõ ràng, đầy đủ thì sẽ chia đôi, có tính đến các yếu tố công sức đóng góp, hoàn cảnh mỗi bên,...

 

Tài sản đứng tên bạn sẽ là của riêng bạn, vì vậy khi cha mẹ ly hôn sẽ không dùng khối tài sản này để chia. Còn phần tài sản đứng tên mẹ bạn xác định đây là tài sản riêng hay chung (có thỏa thuận giữa cha mẹ không). Trong trường hợp tài sản này là của riêng thì mẹ bạn có quyền tặng cho em trai bạn phần tài sản này. Còn nếu là tài sản chung của cả cha và mẹ, muốn tặng cho em trai bạn thì cả hai phải cùng nhau đồng ý. Lưu ý nếu tài sản là bất động sản thì em trai bạn chưa đủ 18 tuổi nên chưa tự mình đứng tên trên Giấy chứng nhận, bố và mẹ sẽ là người đại diện theo pháp luật để quản lý tài sản này. 

 

Trân trọng!

CV Phan Huyền - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169