Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về việc chia thừa kế đối với di chúc chung của vợ chồng

Luật sư tư vấn miễn phí qua email về việc làm sổ đỏ chung đối với phần di sản khi đã có di chúc chung của vợ chồng trong trường hợp người chồng đã chết. Nội dung tư vấn như sau:

 

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư cho e hỏi, gia đình em có mảnh đất từ thời ông bà (đất chưa có sổ đỏ)  trước lúc ông mất, ông bà đã làm di chúc để lại đất đai cho các con . di chúc đến nay đã được . 9 năm 11 tháng. Em muốn hỏi.

- Bây giờ bà em muốn làm sổ đỏ chung sau đó mới tách ra cho các con theo di chúc như thế đúng hay sai luật ạ

- Bà em muốn làm sổ đỏ chung nhưng nhà em không đồng ý nên cả 2 nhà đều có đâm đơn vào trong xã  vì theo nhà em thì có di chúc rồi thì nhà em muốn tách riêng ra theo như di chúc luôn. em muốn biết trong trường hợp này thì giải quyết như thế nào mới đúng luật ạ.

- Bà em có nhờ người có quyền chức cao ép cấp dưới phải làm sổ đỏ chung thì như thế là đúng hay sai luật ạ, và nhà em phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình. em xin cảm ơn ạ ,và rất mong nhận được hồi đáp của anh chị.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bản di chúc của ông bà bạn được lập cách đây đã gần 10 năm do đó, tại thời điểm lập di chúc, di chúc của ông bà bạn cần phải tuân thủ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005. Điều 663 và 668, Bộ luật dân sự 2005 có quy định về vấn đề này như sau:

 

“Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng

 

Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.

 

Điều 668. Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng

 

Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà bạn cùng lập di chúc để lại đất cho các con thì trong trường hợp này đây được coi là di chúc chung của vợ chồng do đó thời điểm có hiệu lực của di chúc là khi người cuối cùng lập di chúc chết. Hiện tại bà bạn đang sống nên bản di chúc này chưa có hiệu lực pháp luật. Theo đó thì các con của ông bà bạn chưa phải là người có quyền đối với phần đất này và cũng chưa được nhận di sản thừa kế theo di chúc.

 

Thứ hai việc bà bạn muốn làm sổ đỏ chung cùng với các con đối với toàn bộ phần đất đó theo quy định cụ thể như sau:

 

“Điều 664. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng

 

1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

 

2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.”

 

Trong trường hợp này do trước đó ông bà bạn đã cùng nhau lập di chúc định đoạt về tài sản chung nên bản di chúc được pháp luật bảo vệ. Nội dung của bản di chúc là chia thừa kế quyền sử dụng đất cho các con nên bà bạn không thể tự ý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chung của bà và các con được. Tuy nhiên nếu bà bạn lúc này có sự thay đổi về việc chia thừa kế thì bà bạn có quyền sửa đổi di chúc. Do là tài sản chung của vợ chồng nên bà có quyền sử dụng một nửa thửa đất nên bà chỉ có quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1/2 phần đất đó.

 

Về việc bà bạn và gia đình bạn có nộp đơn lên UBND xã để được giải quyết thì trong trường hợp này do thời điểm mở thừa kế chưa xảy ra nên mặc dù có tranh chấp thì UBND xã cũng không thể giải quyết theo yêu cầu của các bên được.

 

Về vấn đề cuối cùng bạn hỏi, việc bà bạn nhờ người có quyền chức cao ép cấp dưới phải làm sổ đỏ chung là không đúng với quy định của pháp luật vì như phần trên chúng tôi có giải thích thì bà bạn không có quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ phần đất. Nếu cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đứng tên chung là trái pháp luật. Lúc này người có quyền thừa kế trong di chúc là bố (mẹ) bạn có thể nộp đơn khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án để được giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc chia thừa kế đối với di chúc chung của vợ chồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV: Ngọc Anh – Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo