LS Vũ Thảo

Tư vấn về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong doanh nghiệp nhà nước

Tôi năm nay 53 tuổi, đã tham gia công tác liên tục 33 năm 6 tháng, trong đó công tác trong quân đội 6 năm và chuyển ngành về công tác tại Bưu điện (Doanh nghiệp Nhà nước) Ngạch CVC 6/6 ; mức lương hiện nay là 6,31 từ ngày 07/8/2011. Nay do hoàn cảnh gia đình khó khăn xin nghỉ việc. Vậy xin luật sư tư vấn cho tôi nên:

 

1.  Nghỉ việc khi suy giảm khả năng lao động 61% để hưởng hưu non!

2. Nghỉ việc (chấm dứt hợp đồng) trong doanh nghiệp, thì mức hưởng tiền thôi việc được bao nhiêu?

3. Chuyển công tác từ doanh nghiệp sang đơn vị hành chính sự nghiệp (để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay)?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:

Trường hợp 1: Về việc hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động phải có giấy giám định suy giảm từ 61% khả năng lao động trở lên.

Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

- Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành. 

Theo thông tin bạn cung cấp thì năm nay bạn 53 tuổi, có 33 năm 6 tháng công tác liên tục (chúng tôi nhận định đã đóng rằng bạn đã đóng 33 năm 6 tháng BHXH), bạn muốn đủ điều kiện hưởng hưu khi suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật thì bạn phải có giấy giám định suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 5/4/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia BHXH bắt buộc thì Hồ sơ giám định mức suy giảm khả năng lao động bao gồm:

- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, cơ quan BHXH cấp tỉnh cấp giấy giới thiệu theo mẫu quy định;

- Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định;

- Tóm tắt hồ sơ của người lao động theo mẫu quy định.
 
Trường hợp 2: Về việc chấm dứt HĐLĐ và hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Luật Viên chức 2010 quy định khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn. Mỗi năm làm việc bạn được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.  Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của bạn là tổng thời gian bạn đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Trong trường hợp này, thời gian đóng BHXH của bạn sẽ được bảo lưu đến khi đủ 60 tuổi để hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 3: Chuyển công tác từ doanh nghiệp sang đơn vị sự nghiệp công lập khi đơn vị sự nghiệp có nhu cầu và bạn phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 32 Luật Viên chức 2010 quy định:

1. Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.

2. Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

….”

Như vậy, bạn muốn chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang đơn vị sự nghiệp công lập thì khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.

Từ những phân tích nêu trên, bạn có thể lựa chọn một cách thức phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình để quyền và lợi ích của bản thân mình được bảo vệ tốt nhất.

 

Trân trọng

C.V Trần Thị Thúy Hiên - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo