Tư vấn về vấn đề bồi dưỡng hiện vật cho người lao động
1. Sau khi nhận được kết quả quan trắc môi trường lao động, Tổng công ty yêu cầu các xưởng cải thiện môi trường làm việc. Nhưng để cải thiện được phải mất nhiều thời gian. Nhưng trong suốt khoảng thời gian này lại không đồng ý thực hiện bồi dưỡng hiện vật cho người lao động. Xin hỏi công ty thực hiện như vậy có đúng với pháp luật không?
2. Theo Điều 3 khoản 4 điểm a Thông tư 25/2013/TT-BLDTBXH: Đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Vậy xin hỏi thời gian làm việc bình thường ở đây là 8h/ngày hay là thời gian mà người lao động bình thường làm việc tại khu vực đó (ví dụ có thể mỗi ngày chỉ làm ở khu vực độc hại 4h hoặc 2h). Xin chân thành cảm ơn sự tư vấn của Luật sư!
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề khi thực hiện cải thiện môi trường làm việc thì có được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hay không
Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật của người lao động như sau:
“Điều 2. Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng
1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động
…”
Theo đó, sau khi có kết quả quan trắc, thực hiện cải thiện điều kiện làm việc trong các xưởng sản xuất, nếu trong khoảng thời gian đó người lao động vẫn thuộc các đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật thì vẫn được hưởng chế độ này.
Thứ hai, quy định về thời giờ làm việc
Theo Điều 104 Bộ luật lao động 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
Thời giờ làm việc được hiểu là khoảng thời gian mà người lao động phải có mặt tại địa điểm làm việc để thực hiện các nghĩa vụ lao động được giao trên cơ sở quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên trong hợp đồng lao động. Thời giờ làm việc bình thường là khoảng thời giờ được xác định trên cơ sở các điều kiện về cơ sở hạ tầng, môi trường lao động, thời tiết, sự hao phí sức lao động của người lao động ở mức độ trung bình, được tính trên một ngày đêm (24 giờ) hoặc tính trên một tuần lễ (7 ngày đêm). Theo đó, người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo giờ, hoặc ngày, hoặc tuần.
Như vậy, thời giờ làm việc bình thường trong quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH được hiểu là 8h/ngày.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Khánh Phượng - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất