Tư vấn về tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự
Xin chào Luật sư. Tôi có trường hợp này xin được tư vấn. Cụ thể là trước đây tôi có làm việc cho một công ty du lịch, lúc đó là nhân viên kinh doanh. Tôi đại diên công ty tìm khách hàng về cho công ty. Và có một công ty B liên hệ làm đại lý, sau đó tôi bàn giao lại cho Giám đốc và các bộ phận liên quan khác để nghỉ việc vào năm 2014. Hai năm sau (năm 2016) có Công an thuộc thành phố của Công ty B liên hệ nói rằng Công ty B (Giám đốc) của họ lừa đảo khách hàng và bỏ trốn. Đồng chí công an đó đến công ty cũ của tôi để điều tra và có thông tin của tôi là người liên hệ Giám đốc công ty B đó và yêu cầu tôi cung cấp thông tin để xác minh. Tôi cũng cung cấp đầy đủ về thời gian giao dịch, thời gian nghỉ việc và bàn giao hết cho công ty cũ. Cho đến nay (năm 2017), đồng chí công an đó lại liên hệ tôi để xác minh nữa. Tôi rất mệt mỏi về vấn đề này, tôi có hỏi rõ sao tôi lại liên quan và tôi không hiểu vai trò của tôi như thế nào? Vấn đề này tôi phải làm sao? Xin cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo những thông tin bạn cung cấp, bạn từng là nhân viên kinh doanh của công ty cũ, đại diện cho công ty tìm khách hàng và bạn là người liên hệ với công ty B sau đó công ty B trở thành đại lý cho công ty của bạn. Hai năm sau công ty B lừa đảo khách hàng và bỏ trốn. Như vậy, trong trường hợp này, khi có dấu hiệu tội phạm cơ quan điều tra sẽ thực hiện việc điều tra vụ án theo nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Cụ thể, Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
“Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên
1. Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Lập hồ sơ vụ án hình sự;
b) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;
...
e) Tiến hành các hoạt động điều tra khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
2. Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra về những hành vi và quyết định của mình.”
Bên cạnh đó, Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
“Điều 55. Người làm chứng
1. Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.
2. Những người sau đây không được làm chứng:
a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;
b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
3. Người làm chứng có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
4. Người làm chứng có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.
Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.”
Tại khoản 1 Điều 55 quy định rằng người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Như vậy, bạn là nhân viên kinh doanh của công ty cũ, đã từng có quan hệ trong việc làm ăn kinh doanh với công ty B. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể triệu tập bạn đến với tư cách tham gia tố tụng là người làm chứng. Khi đó bạn sẽ phải thực hiện những quyền và nghĩa vụ của người làm chứng tại khoản 3,4 Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất