Triệu Lan Thảo

Tư vấn về trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi theo Luật BHXH 2014

Thưa luật sư tôi muốn hỏi về chế độ nghỉ hưu .Mẹ tôi sinh ngày 5/4/1971.Mẹ bắt đầu đi làm từ tháng 6 năm 1995. Đến tháng 4 năm 2016 là được 45 tuổi và 21 năm. Mẹ tôi làm việc tại công ty vải sợi may mặc miền bắc, là công nhân may vận hành máy may công ngiệp.Vị mẹ tôi bị đau lưng, thoái hóa cột sống , suy giảm về sức khỏe. nên mẹ tôi muốn về hưu sớm có được hay không ? Vậy tôi rất mong muốn luật sư tư vấn về chế độ nghỉ hưu giúp mẹ tôi. Xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:

 

Do mẹ bạn muốn nghỉ hưu trước tuổi vào tháng 4/2016 nên phần tư vấn sau đây sẽ tư vấn theo Luật BHXH 2014, có hiệu lực từ 01/01/2016.

Đối tượng áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.


Do bạn không nêu rõ, mẹ bạn làm việc ở công ty đó theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 hay thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 4 Điều 2 nêu trên. Do vậy, chúng tôi tư vấn theo hướng mẹ bạn đã ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và muốn được hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

1.Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành…”


Căn cứ vào Điểm b Khoản 1 Điều 55 nêu trên thì đến tháng 4/2016, mẹ bạn có thể được hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu như kết quả giám định sức khỏe chứng minh mẹ bạn suy giảm khả năng lao động 81% trở lên. Để có được kết quả giám định này, mẹ bạn cần đến cơ sở y tế để giám định y khoa, từ đó sẽ có căn cứ chính xác nhất nhằm làm cơ sở để nghỉ hưu trước tuổi.

 

Trân trọng!

P luật sư Lao động - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo