Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về trường hợp công ty không ký kết hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội

Xin chào Luật Minh Gia hiện tại tôi đang làm Trình dược viên-nhân viên Kinh doanh tại một công ty dược phẩm, tôi đã làm việc tại đây từ 12/2015 đến nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa được đóng BHXH

 

Tôi cũng đã gửi yêu cầu đến công ty nhưng nhận được câu trả lời: Công ty sẽ xét duyệt vào đầu tháng 06/2017, và NVKD sẽ được đóng khi đạt khoán (khoán doanh số năm 2016)-nhưng đến nay vẫn chưa thấy xét duyệt. Mặc dù đã làm việc gần 2 năm nhưng công ty không có hợp đồng lao động nào. Rất mong Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi để tôi có thể hưởng quyền lợi theo đúng quy định. Hiện tại tôi vẫn giữ sổ BHXH của Công ty cũ, nhưng trong 2 năm qua tôi không có đóng hoặc xin BHTN vậy sổ có còn sử dụng được không ạ. Xin trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, với vấn đề công ty không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Theo quy định của Pháp luật lao động hiện hành, trước khi nhận người lao động vào làm việc người lao động và người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động.

 

Khoản 1 Điều 18 Bộ luật lao động 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng như sau:

 

“1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

 

Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.”

 

Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 quy định về thời gian thử việc như sau:

 

“Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

 

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

 

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

 

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.”

 

Điều 29 Bộ luật Lao động 2012 quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau:

 

“Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”

 

Như vậy, căn cứ theo các quy định này thì sau khi được nhận vào làm việc, người lao động và người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động. Việc công ty không ký kết hợp đồng với bạn mặc dù bạn đã làm việc 02 năm là vi phạm quy định của pháp luật.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động bảo hiểm xã hội công ty bạn sẽ bị xử phạt như sau:

 

“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

..."

 Đối với việc chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bị xử phạt như sau:

 

"2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

 

Để đảm bảo quyền lợi cho mình và giải quyết vấn đề này bạn có thể trực tiếp liên hệ với Thanh tra phòng Lao động thương binh và xã hội để giải quyết.

 

Thứ hai, với sổ bảo hiểm xã hội

 

Sổ bảo hiểm của bạn vẫn được sử dụng mặc dù đã 02 năm bạn không đóng bảo hiểm xã hội.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì:

 

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

 

Như vậy, người lao động khi nghỉ việc, dừng đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định và chưa muốn lấy bảo hiểm xã hội 1 lần thì thời gian đã đóng sẽ được bảo lưu lại. Nếu người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ được đóng tiếp vào sổ bảo hiểm xã hội trước đó. Việc đóng tiếp quá trình đóng bảo hiểm xã hội không phụ thuộc vào thời gian dừng đóng là bao lâu do đó dù bạn không đóng bảo hiểm xã hội 02 năm thì bạn vẫn có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo