Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về tranh chấp quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của đất hộ gia đình

Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình. Những người có quyền sử dụng đất đối với đất của hộ gia đình.

 

Câu hỏi:

 

Kính gửi công ty luật Minh Gia có 1 vấn đề muốn công ty luật tư vấn. Kính mong được sự tư vấn tận tình của công ty.

 

Nội dung vấn đề như sau: Gia đình em có 1 mảnh đất do bố em đi xin vào năm 1983 tới năm 1984 thì có tờ mảnh giấy quyền sử dụng đất ( các 299) nhưng lúc đi xin do bố em chưa lập gia đình nên ông em đúng tên chủ hộ. Năm 1984 bố em cưới vợ, rồi bố em đứng lên xây dựng ngôi nhà trên mảnh đất đó với sự trợ giúp của bạn bè cùng gia đình.

 

Năm 1986 mẹ em sinh ra chị em nên bố em phải lên ở lại cùng cơ quan với mẹ tiện chăm sóc 2 mẹ con. Cũng trong thời gian này bác em ( anh bố ) về quê thì ông có bảo bố em cho nhà bác ở trong ngôi nhà đó. Bố em đã đồng ý, và bác em ở và đóng thuế nhà đất tới năm 2003. Tới năm 2003 ông em bảo đất đó là của ông và có ý định cho bác cả ở Yên Bái ( con trai đầu của ông cùng cha khác mẹ với bố em) để bảo bác về quê. Bất bình trước hành động đó đã xảy ra chanh chấp giữa ông em và gia đình em. Sau khi lên xã, xã đã không đồng ý cho quyền sử dụng vào tay bác cả. Sau khi chuyện xảy ra nhà em đã quyết định xây nhà khác trên mảnh đất đó nhưng bị sự ngăn cản giữa bác đang ở trên mảnh đất đó và toàn bộ anh em trai và cha mẹ bố em trong gia đình với lý do đất này không phải của nhà mày. Trong khoảng thời gian này do đám đât gần với gia đình ông nên anh em bố em đã tự ý chia nhau đất và xây dựng trái phép nhà trên đó. Trong quá trình xây dựng thì gia đình em có biết báo trình quyền xã và xã đã ra ngăn cản. Xong họ cứ làm và giờ đã làm xong nhà ở tạm, có thể gia đình họ vẫn đóng thuế nhà đất trong thời gian này vì họ ở trên mảnh đất đó do sự ngăn cản của anh em gia đình và không muốn mất tình cảm anh em, nên bố em đã để thế trong tình trạng chiến tranh lạnh tới bây giờ. Ông nội em đã mất được hơn 3 năm nhưng tình hình gia đình bên nội vẫn không có ý định nhượng lại 1/5 mảnh nhỏ trong lô đất kia cho gia đình em xây dựng nhà.

 

Xin nhờ công ty luật Minh Gia tư vấn giúp. Với giấy từ là các 299 được cấp năm 1984 thì gia đình em có quyển sở hữu đám đất trên không. Và các bác chú em trong quá trình mượn sử dụng kia đóng thuế kia có nói nên vấn đề họ được quyền sử dụng đất không. trong quá trình sử dụng phòng tài nguyên có đi đo lại đất và bác ở trên mảnh đất đó khai báo là bác em sở hữu thì có được chấp nhận không. Kính mong phản hồi sớm từ quý công ty.em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp, mảnh đất này do bố bạn đi xin vào năm 1983 tới năm 1984 thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do ông bạn đứng tên là chủ hộ. Trong trường hợp này, bạn cần căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử đất xem mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng đất của cá nhân hay thuộc hộ gia đình.

 

Trường hợp thứ nhất, Quyền sử dụng đất thuộc sở hữu hộ gia đình do ông bạn đứng tên là chủ hộ.

 

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

 

Như vậy, cần căn cứ vào sổ hộ khẩu của hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định những thành viên có quyền sử dụng mảnh đất đó.

 

Vì vậy, bạn cần phải tìm hiểu sổ hộ khẩu của hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác những thành viên có quyền sử dụng mảnh đất đấy. Quyền sử dụng mảnh đất trên sẽ thuộc quyền sở hữu của ông bà, bố bạn và những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

 

Theo Ðiều 108 và Điều 109 bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ.

 

Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.

 

Do mảnh đất trên là đất thuộc hộ gia đình nên việc sử dụng mảnh đất được thực hiện do sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ. Do ông bạn đã mất nên nếu ông không để lại di chúc thì phần đất của ông trong mảnh đất trên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật căn cứ theo Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Do đó, những người được hưởng di sản thừa kế là những người trong hàng thừa kế thứ nhất gồm: bà bạn và các con của ông bạn. Những người trong hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng những phần nhau trong di sản thừa kế.

 

Nếu các bên không thể thỏa thuận về việc phân chia, sử dụng đất thì có thể kiện lên Tòa án nơi có đất để yêu cầu phân chia quyền sử dụng đất là tài sản chung. 

 

Trường hợp thứ hai: Quyền sử dụng đất được cấp cho cá nhân là ông bạn.

 

Nếu quyền sử dụng mảnh đất trên được cấp cho cá nhân ông bạn thì quyền sử dụng đất này sẽ thuộc quyền sử hữu của ông bạn. Ông bạn sẽ có toàn quyền định đoạt, sử dụng. Ông bạn đã mất cách đây được 3 năm nếu ông bạn để lại di chúc thì di sản thừa kế bao gồm cả mảnh đất sẽ được thực hiện theo di chúc. Nếu ông bạn không để lại di chúc thì di sản thừa kế mà ông để lại sẽ được chia theo pháp luật.

 

Căn cứ theo Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về những người hưởng di sản thừa kế thì những người được hưởng di sản thừa kế trong hàng thừa kế sẽ bao gồm: bà bạn và các con của ông bạn. Mỗi người trong hàng thừa kế sẽ được hưởng di sản những phần bằng nhau, các bên có thể tự thỏa thuận để phân chia di sản nếu không thỏa thuận được thì kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Nếu mảnh  trên không thể chia thành các phần để sử dụng cho những người được hưởng di sản thừa kế thì các bên có thể thanh toán cho nhau bằng tiền và tài sản tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất.

 

Như vậy, để xác định quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất của bố bạn phải căn cứ vào giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đã được cấp vào năm 1984. Cụ thể trường hợp này là một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm: 

"a) Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp; 

b) Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập; 

c) Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này."
(Khoản 2 ĐIều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

 

Quyền sử dụng đất được được cấp cho hộ gia đình thì nó thuộc tài sản chung của các thành viên trong hộ. Bố bạn và các thành viên trong hộ sẽ có quyền sử dụng, định đoạt ngang nhau. Nếu quyền sử dụng đất được cấp cho cá nhân (ông bạn hoặc bố bạn) thì người đó được toàn quyền sử dụng và định đoạt quyền sử dụng đất mảnh đất trên.

 

Đối với trường hợp bác của bạn ở nhờ sau đó đóng thuế đất đai không phải là căn cứ để xác lập quyền sử dụng đối với mảnh đất trên. Trong trường hợp quyền sử dụng đất trên là thuộc tài sản chung của hộ gia đình, nếu bác của bạn không có tên trong sộ hổ khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình do ông bạn là chủ hộ thì bác của bạn sẽ không có quyền lợi gì trong mảnh đất trên. Bác của bạn là người ở nhờ nên hai bên có thể thỏa thuận về tiền nộp thuế đối với đất do ai là người thanh toán, chi trả và chỉ có quyền sử dụng đất trong phạm vi thỏa thuận với bố bạn và những người trong hộ gia đình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về tranh chấp quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của đất hộ gia đình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo