Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về tội trộm cắp tài sản và các trường hợp có thể làm đơn bãi nại

Con trộm cắp tài sản của bố mẹ và bị bắt, có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản. Gia đình muốn làm đơn bãi nại với mong muốn người con không bị khởi tố. Cụ thể như sau:

 

Vụ việc xảy ra vào ngày 27/9/2017. Em trai tôi có về hỏi ba mẹ sinh lấy số vàng là 4 lượng mà ba mẹ đã hứa sẽ cho khi em tôi có vợ và làm ăn. Nhưng ba tôi không đồng ý nên hai người đã xãy ra cãi vã, trong lúc nóng giận ba tôi đã đuổi em tôi đi khỏi nhà và cấm không được về nữa. Nên sáng ngày hôm sau 28/9/2017 khi nhà đã đi làm hết, em tôi về nhà vì nhà đã khóa cửa nên để vào được em tôi phải cạy cửa làm bể 2 tấm kính rồi vào phòng của ba mẹ lấy 4 lượng vàng mà ba mẹ đã hứa cho nó rồi bỏ đi. Khi nghe tin em tôi về nhà lấy vàng ba tôi đã đi tìm mà không gặp nên nhờ đến công an can thiệp tìm giúp vì sợ em tôi dùng số vàng không hợp lý thì sẽ hết. Đêm 2/10/2017 công an báo là em tôi đã bị bắt và số vàng vẫn còn nguyên vẹn chưa dùng tới. Vì không hiểu luật nên ba tôi đã đưa con mình vào tội trộm cấp. Nay tôi viết thư gửi lên Luật sư để được hướng dẫn giúp em tôi có thể không bị khởi tố không và xin được hướng dẫn viết đơn xin bãi nại cho em tôi một cách hợp lý. Mong được sự giúp đỡ khẩn cấp của các anh chị. Tôi thành thật biết ơn trọn đời.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:

 

“Điều 138. Tội trộm cắp tài sản

 

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Tái phạm nguy hiểm;

 

...

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.”

 

Cụ thể cấu thành tội trộm cắp tài sản như sau:

 

- Về chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm phải đạt đến một độ tuổi nhất đinh và phải có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình.

 

Đối với tội trộm cắp tài sản, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 138 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

- Về khách thể của tội phạm: khách thể của tội trộm cắp tài sản là quan hệ sở hữu.

 

Về mặt khách quan của tội phạm:

 

+ Hành vi khách quan: Lén lút để chiếm đoạt tài sản (che giấu hành vi của mình với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản).

 

+ Hậu quả: Phải chiếm đoạt được tài sản và giá trị của tài sản chiếm đoạt phải từ 2 triệu trở lên, nếu dưới 2 triệu đồng thì phải đáp ứng được điều kiện: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích. Được coi là đã chiếm đoạt được tài sản khi có sự dịch chuyển tài sản ra khỏi vị trí ban đầu.

 

- Về mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi trong tội trộm cắp tài sản là lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

 

Trong câu hỏi, các tình tiết bạn đã nêu như: sau khi cả nhà đi vắng, em bạn đã phá cửa làm bể 2 tấm kính rồi vào phòng của ba má lấy 4 lượng vàng mà không được sự cho phép của bố mẹ bạn, sau đó bỏ đi. Đây là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, do bạn không nêu rõ em bạn bao nhiêu tuổi nên chúng tôi không thể đưa ra sự tư vấn cụ thể. Bạn có thể tham khảo các quy định đã được trích dẫn ở trên để xác định rõ vấn đề em bạn có thể bị khởi tố không.

 

Về vấn đề làm đơn bãi nại: Đơn bãi nại được hiểu là rút yêu cầu khởi kiện, có nghĩa là không còn thưa kiện nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi phạm tội nếu được bãi nại là không bị xử lý hình sự. Dựa theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:

 

“Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại
 

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

…”
Nếu người bị hại có đơn bãi nại thì cơ quan pháp luật sẽ không xử lý đối với 11 tội danh:


+ Khoản 1 Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

 

+ Khoản 2 Điều 105: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh 

 

+ Khoản 1 Điều 106 : Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 

+ Khoản 1 Điều 108 : Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 

+ Khoản 1 Điều 109 : Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính 

+ Khoản 1 Điều 111:  Tội hiếp  dâm 

+ Khoản 1 Điều 113 :  Tội cưỡng dâm

+ Khoản 1 Điều 121 : Tội làm nhục người khác 

+ Khoản 1 Điều 122 : Tội vu khống 

+ Khoản 1 Điều 131 : Tội xâm phạm quyền tác giả

+ Khoản 1 Điều 171 : Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp 

 

Đối với trường hợp của bạn, nếu em của bạn phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, người vi phạm tội danh này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đơn bãi nại của người bị hại. Do đó, dù đã làm đơn bãi nại nhưng em bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo