Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

Luật sư tư vấn về trình tự giải quyết vụ án sơ thẩm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác như thế nào? Khung hình phạt và mức bồi thường thiệt haị là bao nhiêu? Cụ thể như sau:

  

Xin chào luật sư  ạ! Em tìm được quý công ty sau bao lần tra cứu mạng internet. Hiện nay gia đình em đang rất hoang mang, mong được sự tư vấn của luật sư ạ. Em xin trình bày sự việc như sau: Chồng em sinh ngày 23/7/1987, chưa có tiền án, tiền sự. Tối ngày 1/7/2017, tại quán bia chồng em có tham gia ăn uống cùng nhóm bạn. Một người bạn của chồng em bị mất điện thoại trong khi tham gia ăn uống. Lúc sau, bạn chồng em phát hiện người lấy trộm điện thoại và hô hoán. Sau đó, bạn chồng em liền đánh người bị hại (tức người lấy trộm điện thoại). Thấy vậy chồng em liền ra tát cảnh cáo bị hại 2 cái rồi vào ăn uống cùng mọi người tiếp mà không để ý đến vụ việc kia nữa. Sau khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, gia đình nhà em có đến gia đình nhà bị hại thăm nom và khắc phục hậu quả. Bước đầu theo giám định của cơ quan điều tra, tỷ lệ thương tật của bị hại là 61%. Bị hại có một con nhỏ đang học lớp 2, vợ chồng ly thân, con sống cùng với bố và ông bà nội, bị hại là lao động chính trong nhà. Vậy với sự vụ như trên, em muốn nhờ luật sư tư vấn, giải đáp cho em một số thắc mắc sau:

1. Với sự việc như trên, chồng em sẽ bị khép vào tội cố ý đánh người gây thương tích với khung hình phạt là bao nhiêu năm?   

2. Nhờ luật sư tư vấn giúp em trình tự của vụ án?   

3. Khi ra trước tòa án, chồng em được hưởng những tình tiết giảm nhẹ nào?   

4. Theo luật, mức bồi thường mà nhà em phải chi trả cho bị hại là bao nhiêu? Em xin chân thành cảm ơn ! 

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) có quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác cụ thể là:

 

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

...

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

 

Các dấu hiệu cơ bản của tội cố ý gây thương tích:

 

* Về phía người phạm tội

 

Người phạm tội  phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ như: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc v.v... Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không làm cho nạn nhân bị chết.

 

Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. so với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không mong muốn nạn nhân chết.

 

* Về phía nạn nhân

 

Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khoẻ ở mức đáng kể. Nếu thương tích không đáng kể thì chưa phải là tội phạm.

 

Trong trường hợp này, về phía chồng bạn, chồng bạn đã có hành vi tác động đến thân thể của người bị hại, cụ thể là tát 2 cái vào nạn nhân làm cho nạn nhân bị thương tích. Hành vi của chồng bạn là cố ý, do nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích, tổn hại cho sức khỏe người khác, có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

 

Về phía nạn nhân, bước đầu theo giám định của cơ quan điều tra, tỷ lệ thương tật của bị hại là 61%.

 

Từ những phân tích trên cho thấy, hành vi của chồng bạn cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Khung hình phạt mà chồng bạn phải chịu là từ 5 năm đến 15 năm tù giam.

 

Về trình tự vụ án: thông thường một vụ án hình sự sẽ trải qua các giai đoạn khởi tố; điều tra; truy tố; xét xử sơ thẩm; giải quyết kháng cáo, kháng nghị; thi hành án. Bạn có thể tham khảo thêm những quy định này tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

 

Căn cứ vào những chi tiết bạn đã nêu như sau khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, gia đình nhà bạn có đến gia đình nhà bị hại thăm nom và khắc phục hậu quả. Chồng bạn hiện tại 30 tuổi, chưa từng có tiền án, tiền sự, thực hiện hành vi phạm tội khi đã sử dụng chất kích thích là rượu bia và do bị kích động tinh thần vì có hành vi trộm điện thoại của nạn nhân. Như vậy khi ra trước tòa, chồng bạn sẽ được hưởng những tình tiết giảm nhẹ theo Điểm a, b, đ,  Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

 

Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

 

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

...

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

 

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

 

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

 

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

 

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

 

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

 

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

 

"Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình."

 

Nếu các bên không thỏa thuận được về mức bồi thường thì bạn có thể tham khảo mức bồi thường quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

 

"Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169