LS Thanh Hương

Tư vấn về thời hạn tam giam trong quá trình tiến hành tố tụng

Luật sư tư vấn trường hợp muốn xin tại ngoại cho người đang bị tạm giam do bị bệnh

Nội dung đề nghị tư vấn

Xin chào Luật Sư! Tôi có thắc mắc muốn hỏi Luật Sư về tội đánh bạc: ngày 8/7/2015 người thân của tôi bị bắt giam vì tội đánh bạc dưới hình thức lô đề. Số tiền thu được là 5 triệu đồng, hiện tại đang bị tạm giam, đến hôm nay là được 6 ngày. Người thân của tôi chưa phạm tội bao giờ. Vậy lần này, người thân của tôi có thể được hưởng bản án xử phạt hành chính trước tòa không? Và thời gian tạm giam trong bao lâu? Do người thân của tôi hiện đang bệnh lên có thể làm thủ tục tại ngoại ra ngoài sớm không? Quy định thế nào? Rất mong câu trả lời sớm của Quý Luật Sư. Xin Cảm ơn!
 

Trả lời
 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
 
Thứ nhất, về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự.  Theo quy định Điều 248 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 về tội đánh bạc:
 
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
 
Số tiền thu được khi phát hiện hành vi đánh lô đề là 5 triệu nên dù phạm tội lần đầu nhưng đã nằm trong giới hạn 2 triệu – dưới 50 triệu để tiến hành truy cứu hình sự.
 
Thứ hai, về thời hạn tạm giam. Thời hạn tạm giam sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng quy định cụ thể trong lệnh tạm giam đối với từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Tức là, trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền tạm giam. Đến khi truy tố, nếu viện kiểm sát thấy cần thiết thì có thể ra Lệnh tạm giam thứ hai, giai đoạn xét xử cũng như vậy. Trước tiên, bạn nên tìm hiểu cơ quan tiến hành tố tụng đã ra lệnh tạm giam chưa (người thân của bạn là người bị tạm giam sẽ được giao một bản Lệnh tạm giam). Nếu chưa có lệnh tạm giam mà lại giam giữ người 6 ngày là trái pháp luật (chỉ được tạm giữ tối đa 3 ngày), bạn có thể yêu cầu cơ quan điều tra (bằng văn bản) cho người thân của bạn được tại ngoại. Trong trường hợp đã có lệnh tạm giam, mà theo như thông tin bạn đưa ra người thân của bạn bị bệnh, thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2003:
 
2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
 
Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp ở khoản a, b, c điều luật trên, đồng thời đang bị bệnh nặng (có giấy khám sức khỏe của bệnh viện) thì có thể không bị áp dụng biện pháp tạm giam nữa. Bạn có thể viết đơn yêu cầu hủy bỏ biện pháp tạm giam gửi tới cá nhân, cơ quan ra Lệnh tạm giam vì lý do bị bệnh nặng.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thời hạn tam giam trong quá trình tiến hành tố tụng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Chuyên viên Khánh Linh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo