Luật sư Trần Khánh Thương

Tạm dừng hợp đồng lao động quy định thế nào?

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là khoảng thời gian người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm ngừng thực hiện các quyền, nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng lao động. Nếu bạn có vướng mắc về vấn đề trên và không có thời gian tìm hiểu và muốn đảm bảo tối đa quyền lợi của mình, hãy liên hệ với Luật Minh Gia để được tư vấn.

 

Câu hỏi yêu cầu tư vấn: Kính gửi văn phòng Luật Minh Gia. Tôi là nhân viên nhân sự tại CTCP. Hiên nay Công ty tôi có 02 trường hợp công nhân có lệnh gọi đi nghĩa vụ quân sự 24 tháng, theo Luật Lao động Công ty tôi phải tạm hoãn HĐLĐ. Về thủ tục tạm hoãn tôi có 02 câu hỏi như sau:

1. Tôi đã yêu cầu NLĐ làm  đơn xin tạm hoãn HĐLĐ của người lao động trên đó có thỏa thuận rõ nếu sau 15 ngày kể từ ngày xuất ngũ (theo quyết định xuất ngũ) mà NLĐ không có mặt tại Công ty thì Công ty có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với nhân sự đó. Như vậy là đúng hay sai?

2. Sau khi có đơn và lệnh gọi nhập ngũ, tôi phải làm thủ tục gì để tạm hoãn HĐ với người lao động không? (ví dụ như phải làm QĐ tạm hoãn HĐ?) Rất mong sớm nhận được phản hồi của các Luật sư của VP Luật Minh Gia

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về thời hạn quay trở lại làm việc sau khi thực hiện NVQS:

Tại điểm d Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong trường hợp sau:

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

d)Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này

Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 31 BLLĐ năm 2019 có quy định về nhận lại người lao động (NLĐ) hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo đó, việc công ty bạn yêu cầu người lao động ghi trong đơn tạm hoãn hợp đồng lao động nội dung "nếu sau 15 ngày kể từ ngày xuất ngũ (theo quyết định xuất ngũ) mà NLĐ không có mặt tại Công ty thì Công ty có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ” là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Nếu không thể có mặt đúng thời gian này thì người lao động phải chủ động thoả thuận với người sử dụng lao động thời điểm quay lại làm việc.

Thứ hai, về nội dung và hình thức của thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ:

Hiện nay, trong các văn bản pháp luật về lao động không quy định nội dung, hình thức văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Do đó văn bản này được lập tùy vào thỏa thuận của công ty bạn và người lao động. Trường hợp người lao động của công ty bạn có lệnh gọi nhập ngũ, đại diện bên công ty và người sử dụng lao động có thể ký với nhau thoả thuận về việc tạm hoãn hợp đồng lao động. Bạn có thể tham khảo mẫu thoả thuận mà chúng tôi trích dẫn dưới đây:  

>> Mẫu thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Sau khi thoả thuận hoãn hợp đồng lao động để người lao động đi nghĩa vụ quân sự, phía công ty bạn sẽ tiến hành thủ tục báo giảm bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty bạn tham gia đóng BHXH cho người lao động.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo