Tư vấn về quy trình tiếp nhận tín báo tội phạm lừa đảo tiền vay.
Cách đây khoảng nửa tháng em bị một người bạn lừa vay số tiền khoảng gần một trăm triệu hẹn vài ngày sau trả nhưng sau đó em có gọi điện thoại đòi lại số tiền thuê bao không liên lạc được ...em về nhà bạn ấy thì được biết bạn ấy đã đi khỏi nhà được 4 hôm em rất sốc và hoang mang không đòi được lại số tiền hỏi hàng xóm gần nhà bạn ấy thì mọi người nói bạn ấy ở quê cũng đi lừa mấy người rồi, nghe vậy em càng rối hơn...được mấy người bạn mách làm đơn gửi ra công an nơi bạn ấy đang cư trú em làm đơn ra an xã nơi bạn đang ở ...công an họ nhận đơn hẹn 3 hoặc 4 ngày không giải quyết được thì đưa lên huyện ...em nghe vậy rất hoang mang không biết đưa lên huyện không giải quyết được ...lại đưa lên tỉnh em phải chờ đến bao giờ mới lấy lại được số tiền ...trong khi đó con em đang ốm phải nằm viện điều trị rất cần tiền chỉ một phút tin bạn mà bây giờ em trắng tay...em tha thiết cầu mong được sự tư vấn của tổng đài tư vấn pháp luật chỉ cho em một con đường ...em chân thành cảm ơn!
Trả lời câu hỏi tư vấn: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia. Yêu cầu của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp người bạn của bạn đã vay một số tiền của bạn và trốn tránh không muốn trả bên cạnh đó người đó còn áp dụng đối với mấy người khác ở quê. Hành vi này của người đó có dâu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hìnhsự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
...”
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
...”
Như vậy, nếu như người đó đưa ra những thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn thì hành vi đó có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn trường hợp người đó không đưa ra các thông tin gian dối để vay số tiền của bạn mà sau khi nhận số tiền này mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định nêu trên.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
“Điều 18. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.
Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.”
“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
...”
“Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”
Theo quy định của pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự thì công an điều tra được tổ chức ở 3 cấp Bộ, Tình, Huyện. Như vậy khi bạn tố giác hành vi phạm tội tại công an xã. Công an xã khi nhận được tố giác sẽ phải báo tin cho Công an điều tra bằng văn bản và trong thời gian 20 ngày từ ngày nhận được tin tố giác của công an xã cơ quan điều tra sẽ xác minh nguồn tin nếu có căn cứ sẽ quyết định khởi tố vụ án hình sự và hành vi của người bạn đó là tội phạm và sẽ được giải quyết theo trình tự của bộ luật tố tụng hình sự. Nếu không có căn cứ sẽ quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Hành vi của người bạn đó có dấu hiệu tội phạm nên cần tuân theo trình tự thủ tục của bộ luật tố tụng hình sự và sẽ phải trải qua một quy trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, Bạn có thể khởi kiện dân sự bên cạnh việc tố giác tội phạm. Vì hiện nay bạn đang cần tiền vì con bạn đang ốm nằm viện mà người bạn kia đang bỏ trốn nên cũng rất khó để đợi công an điều tra xác minh cũng như thực hiện trình tự tố tụng theo quy định. Cách tốt nhất hiện nay để bạn có tiền chữa trị cho con mình là đến nhà của gia đình người bạn đang trốn đó và thỏa thuận với họ về việc trả số tiền 100 triệu.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đòi lại sự công bằng . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Cv Trần Như Quỳnh - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất