Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Hình phạt đối với người có hành vi tước đoạt tính mạng của người khác

Luật sư tư vấn về việc người lao động chết tại nơi làm việc, truy cứu trách nhiệm hình sự do người thực hiện hành vi phạm tội gây ra. Cụ thể như sau:


Chào luật sư! Ba em sinh ngày 07/10/1958 làm việc đến bây giờ khoảng 13 năm, đến tháng 3 năm 2017 thì ba nghỉ việc vì cơ quan giảm biên chế. Ngày 20/04/2017 ba nhận việc mới  với mức lương thoả thuận là 6.500.000 vnd, công việc của ba là trực ghi số nước (nơi ba trực ở trong một chỗ tạm bợ ven sông). Trong thời gian ba làm được năm tháng không có tháng nào được nhận lương. Tất cả công việc của ba làm báo cáo số nước. Nhưng tình hình lương, chế độ, hợp đồng lao động ba em không nhận được gì.  Ba em bức xúc lắm mới tạm ứng được 10.000.000 vnd. Thế nhưng, ngày 19/09/2017 ba đang trực thì gặp nạn trong tình trạng nguy kịch phải nhập viện và ba đã qua đời vào ngày 21/09/2017. Cơ quan ba có lên thăm lúc ba nằm viện và gửi thêm 10.000.000 vnd tiền ứng lương đồng thời đồng nghiệp làm chung ba lúc xưa mọi người nguyên góp được 17.000.000 vnd. Sau đó gia đình em đến nơi ba công tác hỏi thăm nhiều người gần đó tìm hiểu nguyên nhân thì biết được. Đêm đó ba uống rượu với người làm cùng, nhậu xong hai người đang karaoke ở trạm. Lúc đó trời đang mưa gió sấm sét rất lớn có người gõ cửa xin vô trú mưa, người làm cùng ba k cho vô vì người thanh niên 19 tuổi (M) trước đó có đánh người làm cùng ba tét đầu phải đi may 30 mấy mũi, ba có chở người làm cùng ra công an phường báo cáo sự việc và làm bảng tường trình. Gia đình em nghe cô bán nước gần đó kể lại: Đêm đó mưa quá ba tội nghiệp cho vô trú mưa, không hiểu chuyện gì xảy ra, ba bị đối tượng M dùng hai con dao trong đó có một con dao chặt dừa lấy của cô bán nước chém từ trên đỉnh đầu ba. Tiếp đó đối tượng anh trai M cùng cô bán nước cứu ba , tên M tiếp tục nhảy lên người ba đánh túi bụi và hắn bỏ trốn.Anh trai M chở ba đi bệnh viện và khai tình trạng ba rằng bị tai nạn giao thông đập đầu vào đá. Ba em mất được mấy ngày sau tên M ra tự thú. Công an cho biết tên M cố tình chém chết ba vì lý do ba không cho hắn gửi xe. Thưa luật sư! Cho em hỏi hai vấn đề:

- Thứ nhất: Bây giờ em cần phải làm gì để đòi lại quyền lợi của ba em (bồi thường thiệt hại và ba gặp nạn tại nơi công tác) theo đúng luật lao động. Nếu có khiếu nại em phải làm như thế nào và bên người sử dụng lao động phải chịu những hình phạt gì? Em cần có những thoả thuận gì với cơ quan về giấy tờ hợp đồng để có lợi cho ba đưa tên M vào khung hình phạt nặng nhất.

- Thứ hai: tên M cố tình truy giết ba em đến cùng thì hắn phải chịu hình phạt từ nhẹ đến nặng nhất là bao lâu? Và gia đình em cần làm gì đúng luật để đưa hắn vào khung nặng nhất? Vì e được biết gia đình hắn nghèo sống tạm bợ ngoài đường hay nhờ chỗ ba gửi đồ, gửi xe...chỗ ba là chỗ làm việc chứ không phải bãi gửi xe hay gửi đồ. Như vậy, tình hình vụ án ba em sẽ như thế nào?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, ba bạn có được bồi thường do xảy ra tai nạn tại nơi làm việc không?

 

Theo quy định tại Điều 40 Luật vệ sinh an toàn lao động 2015 thì:

 

“Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động

 

1. Người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Luật này nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:

 

a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

 

b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

 

c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

 

Do đó, ba bạn sẽ không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động theo quy định tại điểm Khoản 1 Điều 40 này. 

 

Thứ hai, đối với người sử dụng lao động

 

Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động quy định: 

 

"Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động"

 

Trước khi kí kết hợp đồng với người sử dụng, ba bạn có thể đã thỏa thuận về tiền lương, cách thức trả lương, điều kiện làm việc với người sử dụng lao động. Như vậy, ba bạn làm việc tại nơi ven sông là do hai bên đã thỏa thuận. Với khoản tiền lương ba bạn làm mà người sử dụng lao động chưa trả, bạn có quyền yêu cầu họ thanh toán số tiền còn lại. bên cạnh đó, ba bạn sẽ được nhận tiền bảo hiểm khi ông đã đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. 

 

Thứ ba, mức hình phạt mà M phải chịu

 

Căn cứ, Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội giết người như sau:

 

"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

 

a)  Giết nhiều người;

 

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

 

c) Giết trẻ em;

 

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

...

i)  Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

...

n)  Có tính chất côn đồ;

...

q) Vì động cơ đê hèn.

 

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

 

Tùy theo tính chất phạm tội mà M sẽ phải chịu mức hình phạt là khác nhau. Theo đó, mức hình phạt nặng nhất mà M phải chịu là tử hình, mức hình phạt nhẹ nhất đối với M là 7 năm. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Huyền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169