Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về lạm dụng chiếm đoạt tài sản và tình tiết giảm nhẹ trách nhẹ hình sự.

Nhờ luật sư giúp dùm em về việc này. Em có một người bạn. Hôm thứ 7 tuần rồi, em cùng bạn đó có đi ăn tất niên. Trước khi đi ăn thì em có gửi ví tiền cho bạn đó, trong đó có 7.500.000 tiền mặt. Và trong lúc dùng bữa tối do không để ý nên đã bị bạn đi cùng trộm toàn bộ tài sản. Sau đó thông qua camera của nhà hàng thì đã xác định được bạn đi cùng của em là người đã lấy tài sản của em.

 

Sau đó nhà hàng đã báo công an và em cùng bạn em lên phường để giải quyết. Giờ em lấy lại được tài sản nhưng bạn em vẫn đang bị giam và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng khi cho lời khai em đã yêu cầu e chỉ muốn nhận lại giấy tờ thôi cũng được, em không muốn truy cứu, khởi tố hay bất cứ trường hợp nào để bạn em đừng phải đi tù. Vậy cho em hỏi trong trường hợp này nếu bên phía công an quyết định khởi tố thì có phải tình tiết em yêu cầu không xử lí hình sự thì có phải là tình tiết giảm nhẹ không? Và có phải là bạn em nếu bị công an truy tố thì sẽ vướng tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không? Vì em gửi ví tiền cho bạn là tự nguyện, không bị ép buộc. Và nếu như bạn em bị ra toà thì mức án sẽ là như nào ạ? Em rất mong được sự giúp đỡ của luật sư. Cảm ơn! Mong được hồi âm! Chúc quý công ty một năm mới đầy may mắn, thắng lợi.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:


Căn cứ Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

 

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…”

 

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm các hành vi sau:

 

+) Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc hợp đồng khác

 

+) Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

 

- Hậu quả: người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, hoặc đã bỏ trốn, hoặc không còn khả năng trả lại tài sản.

 

Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên, nếu tài sản có giá trị dưới 4 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới thì mới cấu thành tội phạm.

 

Căn cứ theo Điều 173 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội trộm cắp tài sản:

 

" Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

 

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 

đ) Tài sản là di vật, cổ vật..."

 

 Người phạm tội có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.

 

- Có hậu quả xảy ra là tài sản bị chiếm đoạt thuộc một trong các trường hợp:

 

+) Với những tài sản to lớn, cồng kềnh, người phạm tội phải chuyển được tài sản đó ra khỏi phạm vi cất giữ

 

+) Với nhưng tài sản nhỏ, dễ cất giấu, chỉ cần đưa tài sản ra khỏi vị trí cất giữ ban đầu

 

+) Với tài sản không có nơi cất giữ riêng, người phạm tội phải đưa tài sản đó ra khỏi địa bàn (địa điểm phạm tội) thì tội mới hoàn thành.

 

 Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

 

Do thông tin bạn cung cấp không rõ do đó chưa thể định đội danh của hành vi phạm tội, bạn có thể đối chiếu hành vi và hậu quả để xác định tội của người bạn kia. Tuy nhiên, để xác định chính xác người bạn kia bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh gì cần dựa vào kết luận của cơ quan điều tra.

 

Theo điều 155 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về truy cứu trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của người bị hại thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 175) và tội trộm cắp tài sản (điều 173) không thuộc một trong những tội truy cứu trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của người bị hại. Do đó, người bạn kia sẽ bị khởi tố trách nhiệm hình sự không phụ thuộc vào việc bạn không có yêu cầu khởi tố. 

 

Tuy nhiên, theo điều 51 bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì nếu bạn của bạn thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, phạm tội do hoàn cảnh khó khăn… bạn không yêu cầu truy cứu cũng có thể được coi là một tình tiết giảm nhẹ theo quyết định của Tòa án. 

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn