Trần Phương Hà

Công ty vi phạm quy định về thời giờ làm việc bình thường bị xử lý thế nào?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư. Xin cho em hỏi, Công ty bạn em làm là 1 Công ty tư nhân kinh doanh mặt hàng sữa,nước ép trái cây.Và bạn em là 1 nhân viên giao hàng, thoạt đầu khi nhận việc, bên Công ty có nói thời gian làm việc từ 8g sáng 17g, chủ nhật hàng tuần và những ngày lễ được nghỉ theo luật lao động.

 

Nhưng khi bắt đầu vào việc gần 1 năm nay, hầu như ngày nào bạn em cũng về tầm từ gần 20h đến 23h mới về, với lí do xong việc mới được về. Và tất cả mọi người chỉ được hưởng lương làm thêm khi buổi tối nào nhập hàng mới về phải vận chuyển và sắp xếp vào kho, còn lại những tất cả những ngày còn lại, làm công không hết việc mới được về không tính thêm lương, khi mọi người lên tiếng, Công ty vẫn giữ nguyên quyết định ko thay đổi cách trả lương. Vậy cho em hỏi công việc hiện giờ của bạn em, múi giờ làm việc và cách tính lương của công ty đó có được gọi là vi phạm luật lao động không luật sư. Nếu có thì Công ty họ đã vi phạm ở điều mấy, hình thức xử phạt thế nào? Và công nhân chúng em phải làm cách nào để kiện Công ty họ đã vi phạm luật động Việt Nam. Mong luật sư giúp cho chúng em.Em thành thật cám ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Theo quy định của Bộ Luật lao động 2012:

 

Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

 

Theo quy định trên thì người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần. Tuy nhiên bạn không đề cập đến vấn đề hiện nay công ty bạn đang làm việc quy định về thời gian làm việc là theo giờ hay theo tuần. Trường hợp làm việc theo giờ thì không quá 08 tiếng trên 01 ngày, trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày.

 

Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012:

 

Điều 105. Giờ làm việc ban đêm

Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

 

Điều 106. Làm thêm giờ

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

 

Theo quy định trên việc làm thêm giờ là thời gian làm việc thêm ngoài giờ làm việc bình thường quy định theo pháp luật, theo nội quy lao động. Khi thực hiện chế độ làm thêm giờ thì người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của người lao động và đảm bảo số giờ làm việc không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; nếu áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không được quá 12 giờ trên 1 ngày…Và sau mỗi đợt thực hiện làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng người sử dụng phải thực hiện sắp xếp để người lao động được nghỉ bù số thời gian chưa được nghỉ.

 

Về thời gian nghỉ trong giờ làm việc được quy định trong BLLĐ 2012 như sau:

 

Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.

2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.

3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.

 

Vậy nếu người lao động mà phải làm việc liên tục 8 giờ thì phải được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút và thời gian nghỉ đó sẽ được tính vào thời giờ làm việc. Nếu làm việc vào ban đêm liên tục 8 giờ thì người lao động có quyền được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút  và thời gian đó được tính vào thời gian làm việc.

 

Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chúng tôi đã có bài viết về vấn đề này bạn có thể tham khảo qua đường link sau:

 

Tư vấn về tính tiền lương làm thêm giờ cho người lao động

 

Như vậy thời gian làm thêm giờ Công ty có nghĩa vụ trả cho bạn các khoản tiền làm thêm giờ, và nếu có làm việc vào ban đêm thì phải thực hiện việc trả thêm cho người lao động tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của BLLĐ.

 

Ngoài ra theo Nghị định 95/2013 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH… như sau:

 

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây: 

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; 

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; 

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: 

a) Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này; 

 

Điều 14. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

 

Từ các quy định trong BLLĐ 2012 có thể thấy rằng Công ty bạn đã có các hành vi vi phạm quy định của Bộ Luật Lao động như sau:

 

- Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;

- Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm;

 

Như vậy bạn có thể tham khảo các quy định trên để trực tiếp tới làm việc với phía đơn vị Công ty, hoặc có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Ban Giám đốc Công ty để giải quyết toàn bộ quyền lợi cho mình, nếu như phía Ban Giám đốc không thực hiện việc giải quyết quyền lợi cho người lao động thì bạn nên gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Phòng lao động thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu họ giải quyết vấn đề này và có các biện pháp xử lý phù hợp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Công ty vi phạm quy định về thời giờ làm việc bình thường bị xử lý thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV.Lý Quỳnh Giang - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo