LS Vũ Thảo

Tư vấn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Chào luật sư! Xin luật sư tư vấn giúp cho tôi vấn đề này. Tôi và chồng tôi đang mở 1 cơ sở kinh doanh trên mảnh đất của bố mẹ đẻ tôi cho mượn hiện mảnh đất trên vẫn là nông nghiệp có diện tích vài nghìn m2 nằm trên mặt đường quốc lộ .

 

 Qua vài năm cùng nhau  kinh doanh thì vợ chồng tôi có mua thêm được vài nghìn m2   nữa liền ngay với đất của ông bà cho mượn( số diện tích này đứng tên vợ chồng tôi) .Nay cơ sở tôi đã thành lập công ty và tên công ty đều là tên vợ chồng tôi và chồng tôi là giám đốc. Giờ đây tôi đang làm dự án đất 50 năm để xây dựng  và đầu tư thêm vào cơ sở cho hợp lý  thì  theo qui định của nhà nước là phải chuyển đất nông nghiệp từ tên bố mẹ đẻ của tôi sang  tên cho vợ chồng tôi để  sát nhập đứng tên công ty. Vậy xin luật sư cho tôi hỏi: 

1 -Nếu bố mẹ tôi chỉ sang tên lô đất nông nghiệp đó cho 1 mình tên tôi theo như được thừa hưởng thì có được hợp lý hoá vào tên công ty không? Và như vậy thì chồng tôi có quyền gì trong đó ko ?

2 - Nếu như sang tên cho cả vợ chồng tôi thì về sau này  nếu như cuộc sống vợ chồng tôi có vấn đề gì thì chồng tôi có được hưởng quyền lợi gì trên mảnh đất này không?

3- Có cách nào mà lô đất này tôi vẫn làm được dự án mà bố mẹ tôi vẫn có quyền sở hữu trên mảnh đất này ko? Xin luật sư tư vấn giúp .mong sớm nhận được sự phản hồi của luật sư .xin cảm ơn.

 

Trả  lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia.

 

Với câu hỏi thứ nhất của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

 

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ các điều kiện theo quy định tại các Điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

 

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, bóp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

 

Như vậy, bố mẹ bạn có thể làm thủ tục chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất cho bạn. Khi đó quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bạn và bạn có thể sử dụng tài sản riêng đó để thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào công ty. Đây là tài sản riêng của bạn nên chỉ thuộc quyền sở hữu củ riêng bạn. Chồng bạn không có quyền gì đối với khối tài sản riêng đó.

 

Hoặc bạn có thể nhập khối tài sản riêng đó vào khối tài sản chung của vợ chồng để cùng nhau kinh doanh. Khi đó tất cả quyền sử dụng đất sẽ trở thành tài sản chung của vợ chồng. Vợ chồng có quyền, nghĩa vụ bình đẳng như nhau đối với việcchiếm hữu,  sử dụng, quản lý khối tài sản chung đó.

 

Với câu hỏi thứ hai của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Như trên tôi vừa phân tích, nếu như mảnh đất đó sang tên cho cả 2 vợ chồng bạn thì đây sẽ là tài sản chung của cả 2 vợ chồng bạn. Nếu cuộc sống hôn nhân của 2 vợ chồng bạn không hạnh phúc, có thể dẫn đến tranh chấp về tài sản thì chồng bạn vẫn có quyền được hưởng tài sản trong khối tài sản đó.

 

Ví dụ, trường hợp 2 vợ chồng bạn có xích mích dẫn đến ly hôn, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng sẽ được giải quyết như sau:

 

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

 

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thở thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

 

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuạn không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

 

a) Hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng;

 

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.

 

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

 

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

 

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

 

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

 

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản riêng để tự nuôi mình.

 

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

 

Như vậy, trong trường hợp 2 vợ chồng bạn thỏa thuận được về việc chia tài sản thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Trường hợp có tranh chấp mà không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ chia đôi khối tài sản chung đó có dựa trên một số yếu tố như pháp luật quy định.

 

Với câu hỏi thứ ba của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Nếu bạn muốn đem lô đất này vào kinh doanh mà trên giấy tờ đất vẫn đứng tên của bố mẹ bạn thì bố mẹ bạn khi có đầy đủ các điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất có thể thực hiện quyền của người sử dụng đất, đó là góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nghĩa là bố mẹ bạn có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh của vợ chồng bạn với tư cách là người góp vốn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo