Tư vấn về giám định sức khỏe để hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
Tôi sinh ngày 10/10/1966. Vào công nhân biên chế chính thức từ ngày 01/3/1994. Từ ngày vào công nhân đến cuối năm 2006 tôi được bố trí lao động trực tiếp sản xuất gồm các việc: Khai thác nhựa thông + Trồng, chăm sóc rừng dự án 327, 661. Đến đầu năm 2007 Công ty chuyển đổi rừng sang trồng cao su, Tôi được bố trí lao động trực tiếp sản xuất gồm: Khai hoang trồng, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản cho đến nay. Năm 2015 do giá mũ cao su xuống thấp, Tập đoàn phải cắt giảm suất đầu tư chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, dẫn đến Lao động thiếu việc làm ( khoảng 50% thời gian/năm không có việc làm ). Quá trình công tác tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đóng nộp liên tục đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Nay vì thiếu việc làm, sức khỏe giảm sút quá nhiều do quá trình làm việc liên tục vùng núi ( Riêng đơn vị tôi làm việc thuộc đối tượng vùng núi 135 ) tuy nhiên hệ số khu vực chung của Công ty lại là 0,2.
Trước những khó khăn trên Tôi có ý định nghĩ hưu trước tuổi, vậy tôi xin hỏi:
- Tôi có phải đi giám định sức khỏe không ?
- Nếu phải đi giám định mà kết quả mất sức trên 61%, thì % lương hưu của tôi được bao nhiêu ?
- Ngoài chế độ lương hưu trước tuổi, trường hợp như Tôi có được hưởng trợ cấp gì nữa không ?
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bác đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bác, chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:
"1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
…”.
Theo quy định nêu trên, điều kiện để hưởng lương hưu đối với nam là đủ 60 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Đối với nữ là phải đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
"1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
…”.
Do thông tin bác cung cấp không rõ ràng là nam hay nữ. Vì vậy, bác cần đối chiếu cụ thể trường hợp của mình theo các quy định nêu trên.
Ngoài ra, bác tham khảo nội dung tư vấn áp dụng Văn bản pháp luật tại thời điểm gửi câu hỏi như sau, Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định về Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động:
“Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;
2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành”.
Như vậy, khi bị suy giảm khả năng lao động, người lao động sẽ được nghỉ hưu trước tuổi. Để chứng minh được mức suy giảm khả năng lao động bạn cần phải làm giám định sức khỏe. Do đó, bác cần lập hồ sơ giám định gửi đến Hội đồng y khoa cấp tỉnh để tiến hành giám định mức suy giảm khả năng lao động để có đủ điều kiện được hưởng lương hưu trước tuổi.
Dưới đây là những giấy tờ cần thiết để lập hồ sơ giám định mức suy giảm khả năng lao động và hồ sơ hưởng lương hưu hàng tháng. Bác có thể tham khảo tại đây.
Thủ tục giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 07/2010/TT-BYT ngày 5/4/2010 như sau:
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, cơ quan BHXH cấp tỉnh cấp giấy giới thiệu theo mẫu quy định;
- Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định ;
- Tóm tắt hồ sơ của người lao động theo mẫu quy định.
Căn cứ vào quy định trên, chỉ cần có đầy đủ giấy tờ hồ sơ để giám định sức khỏe thì bạn có thể giám định tại HĐYK của tỉnh mình đang cư trú.
Khi nghỉ hưu trước tuổi thì mức lương hưu được tính theo quy định tại điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có quy định:
“1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.
3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung”.
Trường hợp bác đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi theo quy định, và mức lương hưu hàng tháng tính tương tự như trường hợp nghỉ hưu đủ tuổi và sau đó sẽ bị giảm trừ mức hưởng lương hưu hàng tháng, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm trừ 1%.
Ngoài lương hưu hàng tháng thì bạn được hưởng các chế độ sau:
-Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006:
“1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.”
Về Thời gian đóng bảo hiểm được làm tròn theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP về Mức lương hưu hằng tháng theo Điều 52 và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
"5. Khi tính mức lương hưu hằng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều này nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn là một năm".
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất