Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về giả chữ ký giám đốc và con dấu công ty để vay vốn ngân hàng

Có 03 nhân viên đã giả chữ kí giám đốc và tranh thủ mượn con dấu để đóng (công ty tôi vẫn để nhân viên mượn con dấu cơ quan để tự hoàn thành hồ sơ của bộ phận mình) làm hồ sơ vay vốn ngân hàng.Vậy trong việc trên, 03 nhân viên biên chế kia và giám đốc mới vi phạm những gì? Nội dung tư vấn như sau:

 

Tôi làm nhân viên văn thư một cho công ty nhà nước. Có 03 nhân viên biên chế cùng cơ quan đã giả chữ kí giám đốc và tranh thủ mượn con dấu để đóng (công ti tôi vẫn để nhân viên mượn con dấu cơ quan để tự hoàn thành hồ sơ của bộ phận mình) làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Thực tế công ty tôi đời giám đốc trước đã có 02 nhân viên biên chế bỏ trốn vì vay nợ, hiện tại 03 nhân viên biên chế này đều là người vay nợ nhiều ngoài xã hội, trong có cả nợ xấu ngân hàng nên giám đốc mới không kí xác nhận cho nhân viên công ty làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Vậy trong việc trên, 03 nhân viên biên chế kia và giám đốc mới vi phạm những gì ? Xin trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Hồ sơ vay tín chấp ngân hàng cần có hợp đồng lao động từ 6 tháng trở lên (tùy theo yêu cầu của từng ngân hàng), ngoài ra người vay phải cung cấp bảng lương có đóng dấu xác nhận của cơ quan làm việc hay bản sao kê nếu nhận lương bằng thẻ ATM…

 

Có rất nhiều người có nhu cầu vay tín chấp ngân hàng nhưng lại không đủ điều kiện về mặt hồ sơ để được cấp khoản vay: những người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, những người đi làm hưởng lương không có hợp đồng lao động, những người tự kinh doanh không chứng minh thu nhập… tất cả họ đều có nhu cầu vay tín chấp nhưng không đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng đưa ra.

 

Trong trường hợp 3 nhân viên sử dụng con dấu làm hồ sơ giả vay tín dụng để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của ngân hàng có giá trị trên 2 triệu đồng thì sẽ bị xử lý hình sự vì tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (quy định trong Điều 174 Bộ luật hình sự 2015).

 

Trường hợp những người này không cố tình chiếm đoạt, gây thiệt hại về tài sản cho ngân hàng mà chỉ có ý định sử dụng hợp chữ ký và con dấu này để được vay tiền nhanh hơn, người vay thực sự nghiêm túc và có đủ khả năng để trả nợ cho ngân hàng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội: làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. (Điều 341 Bộ luật hình sự 2015)

 

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu và ban hành quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình. (Điều 24 Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu)

 

Trách nhiệm của giám đốc công ty trong việc quản lý và sử dụng con dấu được quy định tại Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội quy định như sau:

 

“Điều 12. Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu

 

...

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

c) Mượn, cho mượn con dấu, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc thu hồi con dấu đối với hành vi quy định tại Điểm b, đ, e Khoản 2; Điểm c Khoản 3; Điểm c, d Khoản 4 Điều này;”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169