Tư vấn về đồng phạm trọng tội giết người
1. Luật sư tư vấn về đồng phạm:
Đồng phạm được hiểu là hai chủ thể trở lên cùng nhau thực hiện một hành vi trái pháp luật. Theo đó, khi thực hiện cùng một hành vi thì sẽ được xem là cùng một vụ án.
Thường nếu cùng thực hiện một hành vi thì đồng phạm sẽ chịu trách nhiệm hình sự như nhau. Tuy nhiên, có thể phụ thuộc vào vai trò tham gia trong vụ án mà trách nhiệm có thể khác nhau. Nếu bạn đang thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua các hình thức sau:
- Tư vấn trực tiếp tại văn phòng
- Tư vấn qua email: lienhe@luatminhgia.vn
- Tư vấn qua tổng đài điện thoại, gọi: 1900.6169
Hoặc bạn có thể tham khảo tình huống thực tế mà chúng tôi tư vấn dưới đây.
2. Luật sư tư vấn về đồng phạm trong tội giết người:
Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư công ty luật Minh Gia. Xin luật sư tư vấn cho tôi về vụ việc sau: Em trai tôi sinh năm 1998. Bạn em trai tôi sinh năm 1996. Một buổi tối đi chơi, bạn của em trai tôi bị va chạm giao thông dẫn đến xô xát, cả em tôi và bạn của em trai tôi cùng đánh nhau với người đã va chạm với bạn em trai tôi. Người đó bỏ chạy và thách thức đuổi đánh, nhưng em tôi và bạn bỏ về. Sau đó, em trai tôi rủ hai người khác không phải là người bạn vừa nãy đi tìm đánh người vừa rồi nhưng hai người đó không đi. Em trai tôi tự lấy gậy sắt hộp dài khoảng hơn 1m đi một mình thì người bạn sinh năm 1996 kia cũng tự tìm lấy gậy rồi đi theo. Khi ra ngoài gặp một thanh niên giống người vừa nãy nên em trai tôi giơ gậy nên hỏi "Mày có phải thằng vừa nãy không?", vừa hỏi xong thì bạn em trai tôi lao vào cầm gậy vụt một cái khiến thanh niên kia ngã xuống đất. Em trai tôi không kịp phản ứng gì thì bạn của em trai tôi tiếp tục lao vào đánh vào đầu và đùi của thanh niên đó gây thương tật 89%, thay một mắt giả. Sau đó em trai tôi và người bạn đó cùng ra công an đầu thú. Trong thời gian bị tạm giam gia đình tôi đã đi lại thăm hỏi và đưa cho gia đình người bị hại 140 triệu đồng, gia đình bạn em tôi đưa 80 triệu đồng. Kết quả tòa sơ thẩm kết án em tôi là người khởi xướng tội giết người, mỗi người 20 năm tù và gia đình bạn em tôi phải bồi thường 80 triệu đồng nữa theo yêu cầu của người bị hại. Vậy xin luật sư tư vấn cho em tôi trong trường hợp này có phải là người khởi xướng cho vụ việc bạn của em trai tôi đánh người kia không? Vì em trai tôi rủ hai người khác tìm đánh người có va chạm trước đó chứ không rủ người bạn sinh năm 1996 này, sau đó gặp thanh niên này em tôi không đánh mà chỉ giơ gậy hỏi. Xin luật sư tư vấn giải đáp cho tôi và gia đình: Trường hợp gia đình bị hại không có đơn kiện? Em tôi bị khởi tố hình sự thì 20 năm như tòa sơ thẩm kết án vậy có đúng không? Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:
Về vấn đề thẩm quyền khởi tố:
Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự tại Điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được quy định như sau:
“Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.
Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định."
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Như vậy, nếu hành vi có dấu hiệu phạm tội mà không thuộc trường hợp bắt buộc có yêu cầu của bị hại thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có trách nhiệm khởi tố. Theo đó, dù người nhà bị hại không có đơn kiện nhưng với hành vi của em bạn vẫn được xác định là hành vi phạm tội và cơ quan có thẩm quyền khởi tố là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về vấn đề xác định tội danh:
Căn cứ vào Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng phạm được quy định như sau:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Theo đó, cần xem xét người gây thương tích có biết hoặc bàn bạc trước với em bạn hay không. Mặc dù em bạn không trực tiếp rủ nhưng nếu người đó biết và tiếp nhận ý chí thì có thể xem hai người là đồng phạm trong trường hợp này.
Đồng thời, khi xác định tội danh cần xem xét ý chí của em bạn ngay từ đầu là giết người hay chỉ cố ý gây thương tích cho nạn nhân.
Trong trường hợp nếu em bạn thật sự không có ý định giết người mà chỉ có ý định gây thương tích để đe dọa người bị hại và dẫn đến hậu quả chết người thì hành vi này của em bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác theo định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này."
Ngược lại, nếu em bạn có ý định giết người ngay từ đầu thì hành vi này của em bạn tuy chưa có hậu quả chết người thì vẫncó thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
"Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm."
Như vậy, nếu xác định được em bạn là đồng phạm và có ý chí giết người ngay từ đầu thì kết luận của tòa án sơ thẩm là phù hợp với cơ sở pháp luật.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất