Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động được hiểu là các bên trong quan hệ hợp đồng lao động thỏa thuận chấm dứt việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng. Luật sư tư vấn về việc người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi làm việc ở công ty trên 30 năm, tháng 12 năm 202x tôi làm đơn xin được chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi làm đơn xin được chấm dứt hợp đồng ngay với lý do sức khỏe giảm sút. Sau khi trình bày lý do với Giám đốc (bằng miệng) cho tôi nghỉ để tôi làm sổ hưu và cũng nói không về trợ cấp thôi việc. Sau đó Công ty có quyết định chấm dứt hợp đồng lao đồng cho tôi, trong quyết định cũng không nói gì đến việc vi phạm thời gian báo trước, việc chi trả hay bồi thường trợ cấp thôi việc. Nay sau hơn 1 năm, tôi làm đơn đề nghị Công ty thanh toán chi trả tôi tiền trợ cấp thôi việc. Vậy xin Luật sư cho tôi hỏi tôi có được hưởng trợ cấp không, có đúng luật không? Tôi có vi phạm thời gian báo trước không? Quyết định của tôi có được coi là sự thỏa thuận không? Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có còn hiệu lực giải quyết không? Xin cảm ơn Luật sư.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

Thứ nhất, về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn thỏa thuận với giám đốc về việc chấm dứt hợp đồng lao động và được đồng ý. Như vậy, việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (bằng lời nói) là phù hợp với khoản 3 Điều 34 Bộ luật lao động 2019 các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động “3. Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.”

Pháp luật lao động hiện hành không quy định về thời hạn báo trước khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng là bao lâu. Trong trường hợp của bạn, công ty có trách nhiệm phải ra thông báo bằng văn bản cho bạn về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ hai về trợ cấp thôi việc

 Điều 46 Bộ luật lao động 2019 quy định về trợ cấp thôi việc như sau: “1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

…”

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã làm việc cho công ty trên 30 năm, đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với công ty vì lý do sức khỏe giảm sút, như vậy bạn có đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, để xác định bạn được hưởng trợ cấp thôi việc hay không cần dựa vào thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc. Cụ thể thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là thời gian thực tế mà bạn đã làm cho công ty trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian mà công ty đã chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (nếu có).

Thứ ba, về thời hiệu giải quyết tranh chấp

Điều 190 Bộ luật lao động 2019 quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

“1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

…”

Như vậy, nếu bạn và công ty phát sinh tranh chấp khi chấm dứt hợp đồng, thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định trên.

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169