Nông Bá Khu

Tư vấn về đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị tranh chấp

Chào luật sư! Tôi xin trình bày nội dung và xin ý kiến giải đáp của luật sư như sau: Tôi tên C. Ông nội tôi sinh năm 1900 mất 1986,bà nội tôi sinh năm 1904 mất năm 1987.Bố tôi sinh năm 1938 mất năm 2000,mẹ tôi sinh năm 1940. Ông nội tôi có mảnh đất 550m2 sinh hạ được 5 người con gồm 4 gái 1 trai(bố tôi).

 

4 người con gái lần lượt đi lấy chồng xây dựng gia đình riêng,chỉ riêng bố tôi xây dựng gia đình và xây cất ở tại mảnh đất với ông nội trọn đời.Năm 2003 nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho mẹ tôi đứng tên(bố tôi đã mất)lúc đó sống trên mảnh đất chỉ có mẹ ,tôi chưa lấy vợ và em gái chưa lấy chồng .Bố mẹ tôi sinh hạ được 5 người con 4 trai 1 gái,tôi là con trai út.Lúc sinh thời Bố mẹ tôi có lo lắng cho các anh trai tôi xây dựng gia đình và đất ở riêng,em gái tôi đã lấy chồng và cũng có gia đình riêng.Tôi xây dựng gia đình năm 2003 và ở cùng mẹ đến nay.Năm 2011 mẹ tôi có chia cho tôi phần đất trên là 400m2 tôi đã làm bìa đỏvà xây nhà ở cùng với mẹ đến nay,còn lại 150m2 vẫn đứng tên mẹ. Nay(2016) các cô của tôi có ý nguyện muốn xin lại một đám đất của tôi đang đứng tên để cho cháu trưởng là anh trai tôi sau này làm chỗ cúng khấn?vì cho rằng đất của ông cha nên các cô còn có quyền đòi hỏi đất ở đó? Tôi cứ băn khoăn chưa rõ cái lý thế nào cho nó phải xin luật sư giúp tôi? Còn tiếp về phần các anh tôi cũng cho là còn có quyền hạn ở phần đất đó nên chưa bằng lòng với phần diện tích đất tôi đang đứng tên sử dụng,nên tìm mọi cách gây áp lực trực tiếp với mẹ tôi và vợ chồng tôi,rồi cùng với các cô để buộc tôi phải nhượng bớt lại một phần cho anh trưởng tôi! lấy lý do là dùng đất vào việc cúng khấn sau này? Xin luật sư tư vấn giúp cho tôi. Tôi trân trọng cảm ơn !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về yêu cầu chia di sản thừa kế

 

Trước tiên cần phải nói về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế, theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:

 

"Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế..."

 

Ông nội bạn mất năm 1986, đến bây giờ đã được 30 năm cho nên những người thuộc hàng thừa kế của ông nội bạn (các cô bạn) đã mất quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.

 

Tuy nhiên, theo quy định của bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017:

 

"Điều 623. Thời hiệu thừa kế

 

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó".

 

Do đó, trong năm 2017 nếu những người anh chị em của bố bạn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế thì yêu cầu của họ vẫn có thể được Tòa án nhân dân thụ lý.

 

Theo quy định tại số: 220/QĐ-CA về việc công bố án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể tại án lệ số 03/2016/AL thì nếu như năm 2003 khi nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho mẹ bạn khi đó các cô, chú, bác bạn hoàn toàn biết về việc trên nhưng không có ý kiến gì cho nên quyền sử dụng đất này được mẹ bạn đứng tên và là đất không có tranh chấp và việc cấp giấy chứng nhận cho mẹ bạn là hợp pháp. Do đó, mẹ bạn có quyền tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê. Việc áp dụng án lệ tuân thủ theo Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP:

 

"2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án".

 

Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:

 

Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

 

" Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này".

 

Về vấn đề đòi đất của các cô bạn

 

Mẹ bạn đã đứng tên trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nên mẹ bạn hoàn toàn có quyền sang tên mảnh đất đó cho bạn. khi bạn đã hoàn thành xong các thủ tục theo luật định thì bạn là người sử dụng đất hợp pháp của mảnh đất đó, không ai có quyền đòi hay yêu cầu bạn phải làm gì trên mảnh đất đó.

 

Vấn đề các anh trai của bạn

 

Vì mảnh đất này bạn được mẹ bạn( người sử dụng đất hợp pháp) chia cho và cũng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bạn nên các anh trai của bạn cũng không thể đòi được. Mẹ bạn cho ai thì là của người đó. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý đến hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết này: Kiện tranh chấp quyền sử dụng đất dùng để thờ cúng

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị tranh chấp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv.Vũ Hà - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo