Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về chế độ nghỉ phép năm.

Tôi muốn hỏi về chế độ nghỉ phép và bảo lưu phép: Cơ quan tôi là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bên DN tôi mới tuyển dụng chị Nguyễn Thị A từ DN khác sang từ tháng 10/2016, tại đơn vị cũ chị Nguyễn Thị A đã có 14 ngày phép/năm theo quy định.

 

 

Cho tôi hỏi, khi chị A chuyển sang đơn vị của tôi có được áp dụng tính bảo lưu thời gian nghỉ phép là 14 ngày từ cơ quan cũ trước đây không và thời gian phép còn lại của năm 2016 ở cơ quan cũ chị A không nghỉ hết có được tính nghỉ tiếp ở cơ quan mới không? Theo tôi hiểu thì theo quy định tại Điều 111 và 112 Bộ Luật Lao động, bà A khi chuyển sang cơ quan mới, thời gian nghỉ phép sẽ tính bắt đầu là 12 ngày/năm nếu làm đủ tháng và làm việc cho một người sử dụng lao động, mà sẽ không tính kế thừa thời gian được nghỉ phép là 14 ngày từ cơ quan cũ trước đây và cũng không được bảo lưu thời gian nghỉ phép còn lại của năm 2016 ở cơ quan cũ chưa nghỉ hết có đúng không ạ. Rất mong nhận được câu trả lời sớm của quý Luật Minh Gia. Trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:


Căn cứ theo Điều 111 bộ luật lao động năm 2012 quy định về ngày nghỉ hằng năm:

 

“1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”

 

Do công ty bạn tuyển chị A (bằng hình thức thi tuyển) không phải thuộc trường hợp điều chuyển công tác hay chuyển sang công ty con, chi nhánh nên số ngày nghỉ hàng năm mà chị A được áp dụng ở công ty cũ sẽ không được áp dụng hoặc bảo lưu với công ty mới. 

 

Chị A chỉ được nghỉ hằng năm nếu đáp ứng đủ điều kiện: có từ đủ 12 tháng làm việc cho công ty của bạn thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Số ngày nghỉ sẽ tương ứng với điều kiện làm việc của từng người lao động trong trường hợp cụ thể theo quy định trên. 

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn