Phạm Diệu

Tư vấn về cách tính thời gian nâng bậc lương khi chuyển công việc!

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, trong chức danh hiện giữ thì được xét nâng một bậc lương khi có đủ điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh hoặc đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi tốt nghiệp đại học (kỹ sư cầu đường) làm việc tại, phòng kế hoạch 1 công ty cổ phần thuộc ... (viên chức), ngày 01/4/202x tôi được nâng bậc lương từ bậc 1/8 lên bậc 2/8 (hệ số 2.34 lên 2.65), trong quyết định nâng bậc lương nêu rõ thời gian để làm cơ sở xét nâng bậc lương lần sau được tính từ ngày 01/4/202x.

Đến ngày 15/5/202x tôi chuyển công tác về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP, tại đây tôi ký hợp đồng thử việc 03 tháng (tự túc đóng bảo hiểm) đến ngày 15/8/202x tôi ký họp đồng dài hạn với cơ quan (thời gian đóng bảo hiểm xã hội là liên tục). Vậy thời hạn để xét tăng bậc lương (hệ số) của tôi tính từ thời điểm nào là đúng?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định về chế độ nâng lương thường xuyên như sau:

“Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:

1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:

a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:

- Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;…”

Theo quy định của thông tư này thì nếu khi bạn chuyển sang đơn vị công tác mới mà vẫn giữ nguyên ngạch công tác và bậc lương thì thời hạn xét nâng bậc lương của bạn sẽ được tính từ khi bắt đầu giữ bậc lương đó (tức ngày 01/4/202x). Nếu khi bạn chuyển sang đơn vị công tác mới mà thay đổi bậc lương thì thời hạn xét nâng bậc lương của bạn sẽ được tính từ ngày bạn giữ bậc lương mới (tức ngày 15/8/202x), không tính thời gian thử việc.

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169