Hoàng Tuấn Anh

Tư vấn về các trường hợp bị coi là tái phạm nguy hiểm

Tái phạm nguy hiểm là gì? Như thế nào bị coi là tái phạm nguy hiểm theo quy định của Bộ luật hình sự? Người thực hiện hành vi phạm tội và có yếu tố tái phạm nguy hiểm sẽ có bất lợi như thế nào? … Luật Minh Gia giải đáp các thắc mắc về vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn về tái phạm nguy hiểm trong hình sự

Tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Bộ luật Hình sự, người tái phạm, tái phạm nguy hiểm không chỉ thực hiện hành vi phạm tội mà còn đã từng bị kết án và chưa được xóa án tích trước đó. Tái phạm nguy hiểm thể hiện nhân thân của người phạm tội không tốt, không ăn năn sau khi đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn thực hiện hành vi phạm tội.

Nếu bạn đang có thắc mắc, cần giải đáp về Luật hình sự nói chung và các vấn đề liên quan đến tái phạm, tái phạm nguy hiểm nói riêng, hãy gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật Minh Gia để được các Luật sư, chuyên viên hướng dẫn, tư vấn các vấn đề như:

- Định nghĩa tái phạm, tái phạm nguy hiểm;

-  Việc quyết định hình phạt đối với người tái phạm, tái phạm nguy hiểm;

- Tư vấn các vấn đề pháp lý về hình sự.

2. Hỏi về tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong hình sự

Câu hỏi: Chào luật sư, Tôi có chồng từng có một tiền án cướp giật tài sản và đương nhiên được  xóa án tích sau 5 năm. Hiện tại chồng tôi lại tiếp tục bị án cướp giật tài sản. Cho tôi hỏi như thế chồng tôi có bị coi là tái phạm nguy hiểm không?  quy định pháp luật Hình sự thế nào? 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 53 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm như sau:

“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”

Như vậy, theo bộ luật hình sự các trường hợp được coi là tái phạm nguy hiểm có thể hiểu như sau:

- Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

- Đã tái phạm, chưa được xóa án mà lại phạm tội do cố ý. Đối với trường hợp này, người phạm tội khi bị tòa án kết luận có tái phạm và đã bị kết án, khi chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thì sẽ bị coi là tái phạm nguy hiểm, không phân biệt tội ít nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Khoản 3 điều 9 Bộ luật hình sự 2015 định nghĩa tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như sau:

“3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Có thể thấy một trong những điều kiện quan trọng để có thể coi là tái phạm nguy hiểm đó là người phạm tội đã phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc đã bị kết án tái phạm mà vẫn tiếp tục phạm tội trong thời gian chưa được xóa án tích. Chồng của bạn tuy có tiền án về tội cướp giật tài sản nhưng qua 5 năm, đã được xóa án tích và cũng chưa bị tòa kết án tái phạm lần nào cho đến nay, nên trường hợp này không được coi là tái phạm nguy hiểm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169