Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về bồi thường chi phí đào tạo và tiền lương

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp cần phải phát triển, xây dựng đội ngũ nhân lực để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra nhiều chi phí để đào tạo nhân lực cho mình. Tuy nhiên, sau khi đào tạo nhiều người lao động lại từ bỏ doanh nghiệp để đến với môi trường khác. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Pháp luật quy định về vấn đề này như sau:

Nội dung yêu cầu tư vấn: Cho em hỏi về tiền lương và bồi thường phí đào tạo như sau ạ: Em ký hợp đồng đào tạo và hợp đồng lao động trong 3 năm từ ngày 28/06/2021 nhưng em đã xin nghỉ việc từ ngày 13/09/2021 với lý do không được đào tạo huấn luyện để làm công việc hành chính cho công ty mà chỉ phụ trách những công việc lặt vặt mà thôi.

Khi thanh lý hợp đồng công ty yêu cầu em bồi thường giá trị hợp đồng đào tạo với giá trị khoảng 24 triệu. Em không đồng ý bồi thường và hợp đồng vẫn chưa được thanh lý. Vậy công ty bắt e bồi thường như vậy đúng không? Nếu chưa thanh lý hợp đồng mà em ký hợp đồng lao động mới được không? Công ty là bên cần thanh lý hợp đồng hay là em là người cần thanh lý hợp đồng?

Trong thời gian làm việc tại công ty, em đã không được nhận đủ lương vì sai sót của nhân viên phòng tài chính. Em hỏi thì người đại diện công ty trả lời đó là trách nhiệm của nhân viên chứ không phải của công ty như vậy có đúng không? Xin chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn của mình đến Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

1. Về việc bồi thường khi chấm dứt đào tạo

Trường hợp 1: Đào tạo nghề là một điều khoản trong hợp đồng lao động

Điều 35 Bộ luật lao động 2019 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động 2019 người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần phải báo trước nếu người lao động không được bố trí theo đúng công việc. Như vậy, bạn có thể xin nghỉ việc với lý do không được đào tạo huấn luyện để làm công việc hành chính cho công ty mà chỉ phụ trách những công việc lặt vặt và không phải hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty.

Trường hợp 2: Hợp đồng đào tạo nghề và hợp đồng lao động là hai hợp đồng độc lập

Theo khoản 2 Điều 62 Bộ luật lao động 2019 quy định về hợp đồng đào tạo nghề như sau:“2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;

c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;

d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;

e) Trách nhiệm của người lao động.”

Như vậy, trong trường hợp này việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng không liên quan gì đến hợp đồng đào tạo nghề. Nhưng nếu bạn vi phạm thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng đào tạo thì bạn phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động. Chi phí đào tạo bao gồm: các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

2. Về vấn đề tiền lương

Căn cứ Điều 48 Trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau: 1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

...”

Theo đó, công ty có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền cho người lao động trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Nếu quá thời hạn trên, công ty vẫn không thanh toán đầy đủ tiền lương cho bạn, bạn có thể khiếu nại đến lãnh đạo của công ty hoặc làm đơn gửi đến Phòng Lao động – thương binh và xã hội để được giải quyết. Nếu vẫn không giải quyết được thì bạn có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án nhân dân nơi công ty đóng trụ sở.

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn