Đinh Ngọc Huyền

Tư vấn về bảo hiêm thất nghiệp của người lao động khi công ty chậm chốt sổ BHXH.

Hiện nay, nhiều công ty có các hành vi chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Vậy, trách nhiệm của công ty trong trường hợp này như thế nào? Người lao động có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu công ty chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội không? Người lao động nên giải quyết trường hợp này như thế nào? Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 Câu hỏi tư vấn: Tôi hiện đang làm cho một công ty tại Quận 2 Thành phố  Hồ Chí Minh. Sắp tới tôi sẽ viết đơn nghĩ việc tại công ty. Nhưng tôi có một vấn đề thắc mắc là ở công ty tôi đang làm, khi người lao động viết đơn nghỉ việc và tới ngày làm việc cuối cùng thì công ty không cho người lao động giấy hẹn ngày nào sẽ tới công ty để lấy sổ bảo hiểm xã hội và giấy quyết định nghỉ việc. Như thế công ty có vi phạm luật không ạ! Có trường hợp qua 3 tháng mà công ty chưa chốt sổ bảo hiểm xã hội thì tôi sẽ lãnh bảo hiểm thất nghiệp bằng cách nào?

Trả lờiCảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Về việc chốt sổ bảo hiểm xã hội

Điều 48 Bộ Luật Lao động 2019 đã nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

"1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả".

Theo đó, trong vòng 14 ngày làm việc hoặc chấm nhất là 30 ngày, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Tuy nhiên, về thời gian hoàn thành thủ tục chốt sổ BHXH và trả lại sổ, trả quyết định nghỉ việc cho NLĐ thì pháp luật không có quy định thời gian cụ thể. Về nguyên tắc của Luật bảo hiểm xã hội thì khi NLĐ nghỉ việc, công ty phải thực hiện ngay thủ tục báo giảm lao động trong tháng đó, sau khi báo giảm lao động tham gia BHXH thì đơn vị phải thực hiện ngay thủ tục để xác nhận thời gian đóng BHXH cho NLĐ để đảm bảo các quyền lợi cho NLĐ.

2. Trường hợp qua 3 tháng mà công ty chưa chốt sổ BHXH thì tôi sẽ lãnh bảo hiểm thất nghiệp bằng cách nào?

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, bạn có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 như sau:

“Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.”

Đối chiếu quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật việc làm 2013: "1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập".

Như vậy, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, bạn phải nộp hồ sơ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp quá 3 tháng mà bạn không có sổ BHXH để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ không đủ điều kiện để nhận trợ cấp thất nghiệp.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết bạn cần làm việc với chủ sử dụng lao động để làm rõ việc đóng BHXH, cấp và xác nhận sổ BHXH đối với bạn. Trong trường hợp công ty cố tình vi phạm không đóng đầy đủ BHXH và không đóng đầy đủ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và không chốt sổ BHXH cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH cho bạn. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169