Say rượu gây tai nạn làm chết người bị xử lý thế nào?
Yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư nếu như bên gây tai nạn đã uống rượu bia mà va chạm với người thân của tôi và giờ người thân tôi đã mất,như vậy bên gây tai nạn có phải ở tù không và ở bao lâu.nếu như đã thoả thuận đôi bên đễ đưa em tôi về thì có phải bắt buộc khám tử thi hay không vì chúng tôi không muốn khám tử thi. Xin cảm ơn luật sư.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng về gửi yêu cầu tư vấn về Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo Điều 13, Bộ Luật Hình Sự 2015 quy định người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, người uống rượu bia khi phạm tội sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và không được xét miễn hay giảm án. Bởi, uống rượu bia là người đó tự làm hạn chế năng lực hành vi của mình, chứ không phải do rượu bia làm người đó phạm tội.
Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
...b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;…”
Như vậy, trong trường hợp này người gây tai nạn dẫn đến hậu quả chết người trong tình trạng đang sử dụng rượi bia sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 260 đã nêu trên với mức phạt từ 03 năm đến 10 năm.
Khoản 3 ĐIều 167 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
“3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
b) Khám nghiệm hiện trường;
c) Khám nghiệm tử thi;
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.”
Như vậy, nếu xét thấy cần thiết phải tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về tính mạng thì cơ quan điều tra có quyền tiến hành khám nghiệm tử thi. Nếu gia đình bạn không muốn khám nghiệm tử thi và tình tiết của vụ tai nạn đã rõ ràng thì gia đình bạn có thể làm đơn đề nghị cơ quan điều tra xem xét về việc không tiến hành khám nghiệm tử thi.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất