LS Hồng Nhung

Truất quyền thừa kế của cha đẻ

Trường hợp trước đây khi cha mẹ ly hôn mà cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì sau này con lập di chúc có được truất quyền thừa kế của cha hay không? Nếu truất quyền thừa kế rồi thì cha đẻ của người để lại di sản có được hưởng thừa kế theo pháp luật hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Kính gửi Qúy công ty luật Minh Gia. Tôi sinh năm: 1987. Tôi có vấn đề xin được sự tư vấn của quý công ty. Rất mong quý công tý giúp đỡ và tư vấn cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! Tôi xin trình bày về vấn đề cần được tư vấn của minh như sau: Bố mẹ tôi lấy nhau nhưng đã ly hôn khi tôi được 2 tuổi. Bố tôi có trách nhiệm chu cấp về tài chính để nuôi tôi cho đến khi tôi 18 tuổi. Nhưng hiện tại tôi đã 31 tuổi nhưng chưa nhận được bất kỳ sự trợ cấp nào. Sau ly hôn bố tôi đã lấy vợ 2 và hiện không sinh sống tại quê nhà và không còn liên lạc gì với tôi sau rất nhiều năm. Mẹ tôi đã một mình nuôi tôi trên mảnh đất mà mẹ tôi đã mua và đứng tên sở hữu của mẹ tôi.

Và tôi muốn hỏi ở đây là: có văn bản hay một dạng di chúc nào mà có thể ghi tất cả mọi tài sản đứng tên của tôi sau này không có bất kỳ liên quan gì đến bố tôi hay đằng nhà họ nội. Tức là tôi muốn tước quyền thừa kế của bố tôi hay nhà họ nội đối với mọi tài sản đứng tên tôi. Tôi kính mong quý công ty xem xét và giải đáp thắc mắc giúp cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như những gì bạn trình bày, nếu bạn không muốn để lại tài sản của mình cho bố bạn thì có hai hướng giải quyết như sau:

 

Thứ nhất, bạn có các quyền theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau:

 

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

 

Và theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu:

 

“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

 

Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên, bạn có quyền tặng cho tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của bạn cho bất kì cá nhân, tổ chức nào. Do đó, khi bạn đã thực hiện tặng cho toàn bộ tài sản của mình cho người khác khi bạn còn sống thì sau khi bạn mất đi, bạn sẽ thuộc trường hợp không có di sản thừa kế. Vì vậy, bố bạn sẽ không được nhận thừa kế từ bạn trong trường hợp này.

 

Thứ hai, nếu không giải quyết theo hướng tặng cho tài sản của mình cho người khác, bạn có quyền để lại di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất đi theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản” (Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015). Và Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

 

Vậy, từ các quy định nêu trên, nếu bạn có tài sản, bạn có quyền lập di chúc để định đoạt phần tài sản đó của mình cho bất kì ai mà bạn mong muốn. Đồng thời bạn cũng có quyền truất quyền thừa kế của bất kỳ người nào thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bạn theo Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015:

 

Tuy nhiên bạn cũng cần phải lưu ý đến các trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015. Từ căn cứ này, mặc dù bạn có quyền truất quyền thừa kế của bố bạn nhưng bố bạn vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật mà bạn để lại sau khi bạn đã mất đi theo Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”.

 

Nhưng theo dữ liệu bạn đã cung cấp, bố bạn không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng bạn từ năm 2 tuổi đến hết 18 tuổi. Do vậy, nếu sau khi bạn mất, những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bạn khởi kiện ra Tòa án về việc bố bạn đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng bạn – người để lại di sản theo điểm b Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi đó, bố bạn có thể sẽ không được hưởng thừa kế đối với di sản mà bạn để lại nữa.

 

“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

 

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

 

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

 

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

...”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo