LS Hồng Nhung

Hưởng thừa kế như thế nào để không phát sinh tranh chấp sau này?

Trường hợp cha mẹ di chúc cho một người hưởng di sản thừa kế thì những người còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế không? Người thừa kế cần phải làm thế nào để không phát sinh tranh chấp sau này? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Ba mẹ tôi có ba người con (tôi là anh trai cả và hai đứa em gái, cả 3 đều có gia đình riêng và đã tách riêng sổ hộ khẩu với ba mẹ, ba mẹ tôi ở một sổ hộ khẩu riêng, ba người con ở 3 sổ hộ khẩu riêng) và để lại di chúc cho tôi hưởng căn nhà do ba mẹ tôi đứng tên, đang ở (2 em gái tôi đã được ba mẹ chia tiền khi bán một căn nhà khác). Ba mẹ tôi đang sinh sống ở căn nhà quận Bình Tân và đã lập di chúc trước cho tôi được hưởng căn nhà này (di chúc đã được lập tại VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG. Tôi xin được hỏi:

1, Sau khi ba mẹ tôi qua đời, tôi có được quyền sang tên căn nhà này cho riêng tôi không (tài sản của riêng tôi để vợ tôi khỏi tranh chấp đòi đồng sở hữu căn nhà này sau này, hiện tôi đang có vợ và 1 con) và hai em gái tôi có quyền đòi hỏi chia tài sản (căn nhà) này không?

2, Tôi muốn được hưởng riêng căn nhà này và 2 em gái tôi không có quyền tranh chấp, đòi chia tài sản này sau khi ba mẹ tôi qua đời. Tôi cần làm những thủ tục pháp lý nào để tránh tranh chấp sau này? Tôi xin cảm ơn quý công ty. 

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình thông qua các hình thức như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để lại thừa kế... theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.”

 

Mặt khác, “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” (Điều 624 Bộ luật dân sự 2015). Như vậy, cha mẹ bạn có quyền lập di chúc để lại di sản thừa kế cho bạn. Do đó, nếu ba mẹ bạn có di chúc để lại ngôi nhà cho bạn thừa kế thì khi ba mẹ bạn mất đi, bạn có quyền thừa kế ngôi nhà theo di chúc. Và nếu di chúc ghi nhận để lại tài sản cho bạn mà không bao gồm cả vợ và con bạn thì đây được xác định là tài sản riêng của bạn theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

 

“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

 

Như vậy, di chúc phát sinh hiệu lực vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm bố bạn mất) thì em gái bạn có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế nếu em gái bạn là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

 

Nếu em gái bạn không thuộc trường hợp trên thì sẽ không có căn cứ để yêu cầu hưởng thừa kế ngôi nhà mà cha mẹ để lại.

 

Trường hợp bạn muốn hưởng ngôi nhà mà không muốn phát sinh tranh chấp với các em của bạn sau này thì bạn có thể lựa chọn một trong hai giải pháp như sau:

 

Một là, bạn có thể thừa hưởng ngôi nhà thông qua di chúc của ba mẹ bạn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đối với trường hợp này, bạn chỉ có thể được hưởng thừa kế nếu di chúc của cha mẹ bạn hợp pháp và có hiệu lực theo quy định của pháp luật dân sự; và bạn chỉ có thể tiến hành sang tên ngôi nhà này cho bạn sau khi cha mẹ bạn mất.

 

Hai là, bạn có thể thừa hưởng ngôi nhà thông qua hình thức cha mẹ bạn chuyển nhượng hoặc tặng cho ngôi nhà cho bạn. Việc chuyển nhượng, tặng cho bất động sản phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014. Sau khi có hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, bạn có thể tiến hành sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, nếu ngôi nhà được chuyển nhượng theo trường hợp này thì sẽ không đặt ra vấn đề thừa kế theo di chúc nữa. Bởi lẽ, nếu mảnh đất đã được chuyển nhượng cho bạn thì di chúc sẽ không có hiệu lực vì di sản không còn vào thời điểm mở thừa kế theo quy định tại Khoản 3 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 643. Hiệu lực của di chúc

...

3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

...”

 

Trên đây là nội dung tư vấn về. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo