Tư vấn thỏa thuận lao động với người cao tuổi.

Tại trung tâm nuôi dưỡng người già ( trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố ) có nhu cầu hợp đồng lao động với bà A ( đã nghĩ hưu ) từ năm 2010 đến nay. Năm 2010 tại Nhà nuôi dưỡng người già ( nay là trung tâm nuôi dưỡng người già ) ký hợp đồng không thời hạn với bà V, chức danh: Phó Giám đốc.

 

Đến 25.01.2016 Có quyết định cho thôi giữ chức vụ phó giám đốc. Đến ngày 01.02.2016 ký quyết định chấm dứt công việc với bà A

Đến ngày 01.03.2016 ký kết lại hợp đồng lao động không xác định thời hạn với bà A với chức danh tổ trưởng tổ dịch vụ mức lương thỏa thuận là 3,2 × 1.150.000 đồng= 3.680.000 đồng, phụ cấp tổ trưởng : 0,3; và chế độ 0,8 theo nghi quyết HĐND.

Nhưng đến tháng 6 năm 2016, nơi sử dụng lao động soạn hợp đồng yêu cầu người lao động thỏa thuận lại với mức lương khoán vùng: 3.100.000 đồng và chế độ 0,8 ( theo Nghị quyết HĐND thanh phố) không được hưởng chế độ nào khác. Thời hạn hợp đồng: dưới 12 tháng. Và bà A chưa đồng ý bản thỏa thuận này.

 

Hỏi cách thỏa thuận của người sử dụng lao động như vậy có đúng quy định với pháp luật hay chưa. Chế độ của người lao động lớn tuổi (đến nay vẫn đảm bảo sức khỏe ) như thể nào là đúng. Việc ký hợp đồng lao động từ không xác định thời gian xuống xác định thời hạn dưới 12 tháng như vậy có đúng không, khi bà A vẫn đảm bảo sức khỏe theo quy định và mong muốn được ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn . Mức lương được hưởng của bà A như thế nào là phù hợp và đúng quy đinh, và thỏa thuận lương theo hợp đôngg mới( hợp đồng từ tháng 6.2016 ) như vậy có thiệt cho người lao động hay không?

Xin được tư vấn. Trân trọng cám ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Việc thực hiện kí kết hợp đồng với người cao tuổi được thực hiện theo quy định tại điều 167 Bộ luật lao động 2012 về sử dụng người lao động cao tuổi:

"1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.

2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc".

 

Như vậy, trong trường hợp này, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe để giao kết hợp đồng lao động mới theo đúng quy định. Người lao động đã nghỉ hưu làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động vẫn được hưởng quyền lợi đã thỏa thuận theo hợp đồng lao động. Mức lương sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Đối chiếu theo Điều 90 bộ luật lao động năm 2012 quy định về tiền lương:

 

“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”

 

Do đó, tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, mức lương phải phù hợp với tính chất công việc.Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Như vậy, nếu khi điều chỉnh mức lương của người lao động mà người sử dụng lao động không phải đảm bảo những quy định trên là trái quy định của pháp luật. 

Mặt khác, người sử dụng lao động và người lao động đã giao kết hợp đồng lao động với mức lương, phụ cấp... thì khi thay đổi phải thực hiện kí phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới nhưng phải được sự đồng ý của người lao động. 

 

Căn cứ theo Điều 22 bộ luật lao động năm 2012 quy định về loại hợp đồng lao động:

 

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”

 

Như vậy, thì chỉ có quy định về chuyển từ hợp đồng xác định thời hạn sang hợp đồng không xác định thời hạn mà không có quy định chuyển từ hợp đồng không xác định thời hạn sang hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng. Do vậy, muốn chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn để chuyển sang hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động để chấm dứt HĐLĐ cũ và ký HĐLĐ xác định thời hạn mới.

 

Và theo quy định của pháp luật lao động thì không được giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên trừ một số trường hợp đặc biệt như trên. Do đó, đối với chức vụ phó giám đốc và tổ trưởng tổ dịch vụ tại trung tâm nuôi dưỡng người già với hợp đồng lao động dưới 12 tháng mà công việc có tình thường xuyên từ 12 tháng trở lên là không hợp lí, trái với quy định của pháp luật.

 

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải thỏa thuận và phải được sự đồng ý người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn sang hợp đồng xác định thời hạn (có thời hạn từ 12 đến 36 tháng). Nếu người lao động không đồng ý thì có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn thỏa thuận lao động với người cao tuổi.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169