Tư vấn quy định pháp luật về tố cáo hành vi tham ô tài sản
Xã tôi là một xã miền núi, hàng năm được cấp hàng chục triệu đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, bạn tôi là cán bộ UBND xã, được phân công phụ trách công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đồng thời được quản lý, sử dụng cũng như chi trả, thanh toán nguồn kinh phí nêu trên, nhưng bạn tôi đã không triển khai, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, nhưng bạn tôi đã chỉ đạo kế toán xã lập khống các chứng từ (nội dung công việc, danh sách những người tham gia...) để rút về hơn xx triệu đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng để hưởng lợi cá nhân, sau đó bị thanh tra phát hiện, bạn tôi đã khai là dùng số tiền đó để tu sửa trụ sở xã và việc này đã được ban thường vụ đảng ủy xã nhất trí (thực ra sau khi bị thanh tra phát hiện, bạn tôi mới báo cho đảng ủy biết và làm một biên bản họp thống nhất để hợp thức hóa việc làm sai đó), sau đó thanh tra kết luận bạn tôi đã làm sai nguyên tắc, sử dụng kinh phí không đúng mục đích, yêu cầu phải thu hồi và nộp lại số tiền đó vào tài khoản tạm giữ của thanh tra, hiện bạn tôi đã nộp lại đủ số tiền đã rút trên (mặc dù bạn tôi đã nộp lại đủ số tiền đó và cơ quan thanh tra không đề nghị chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra của công an), giờ lại có đơn tố cáo bạn tôi tội tham ô tài sản gửi cho cơ quan công an và Viện kiểm sát. Vậy tôi xin hỏi:
1. Đơn tố cáo đó có được coi là hợp lệ và có được thụ lý không ( vì đã có kết luận của thanh tra và bạn tôi đã chấp hành)?
2. Nếu đơn tố cáo được thụ lý thù bạn tôi có bị xem xét và xử lý tội tham ô không?
3. Nếu bị xử tội đó thì mức phạt đối với bạn tôi là cán bộ xã và kế toán như thế nào?
4. Ban thường vụ đảng ủy có bị liên lụy gì không?
Rất mong Luật sư tư vấn giúp, xin cảm ơn
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền tố cáo về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức (Khoản 2 Điều 1 Luật tố cáo 2018).
Như vậy, quyền tố cáo là quyền hiến định của công dân và khi công dân gửi đến cơ quan có thẩm quyền thì vẫn được tiếp nhận, xử lý thông tin.
Trong quá trình xử lý ban đầu thông tin tố cáo, nếu vụ việc tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì cơ quan có thẩm quyền không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý theo quy định tại Điều 24 Luật Tố cáo 2018:
“Điều 24. Xử lý ban đầu thông tin tố cáo
1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật này; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
...”
Thứ hai, Phó chủ tịch xã có thể xem xét và truy tố về tội tham ô tài sản theo quy định tại điều Điều 353 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
...
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
...”
Theo đó, với số tiền chiếm đoạt là 60 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1quy định nêu trên. Trường hợp phạm tội có tổ chức thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a Khoản 2 quy định nêu trên.
Kế toán xã trong trường hợp này có thể xem xét là đồng phạm trong tội tham ô chiếm đoạt tài sản với vai trò là người giúp sức, tạo điều kiện để Phó chủ tịch xã thực hiện hành vi tham ô tài sản của mình bằng cách lập khống các chứng từ (nội dung công việc, danh sách những người tham gia...)
Thứ ba, Ban thường vụ đảng ủy có thể bị truy tố về tội che dấu tội phạm theo quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
...
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
...
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Theo như bạn đề cập ở trên, mặc dù không hứa hẹn trước nhưng khi ban thường vụ Đảng ủy biết phó chủ tịch đã làm khống chứng từ để trục lợi cá nhân chứ không phải dùng số tiền đó để tu sửa trụ sở xã mà sau đó đã che giấu người phạm tội, làm một biên bản họp thống nhất để hợp thức hóa việc làm sai đó đồng thời không báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm đó.
Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Thị Oanh - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất