LS Vũ Thảo

Cách lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng

Với sự bùng nổ mạnh mẽ về công nghệ thông tin đã mang lại nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên, một trong những mặt trái của nó là nhiều đối tượng đã lợi dụng tiện tích từ ứng dụng công nghệ để thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo nên đã giao tiền và tài sản của mình. Vậy làm cách nào để lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng, bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ giải đáp.

1. Cách lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng

Lừa đảo qua mạng là việc thông qua mạng máy tính, mạng internet, các đối tượng lên các trang mạng xã hội như facebook, zalo hay qua email…dùng thủ đoạn gian dối với mục đích làm cho người khác tưởng là thật mà đưa tiền hoặc tài sản rồi chiếm đoạt tài sản.

Việc lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng là rất khó, bởi vì thủ đoạn của các đối tượng này càng tinh vi và phức tạp. Khi bị lừa đảo trên mạng bị hại cần thu thập các chứng cứ để tổ giác với cơ quan chức năng về hành vi phạm tội của kẻ lừa đảo như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng chuyển khoản, video, hình ảnh có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…

Sau khi thu thập được thông tin, bị hại có thể làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an để được giải quyết. Hồ sơ tố giác tội phạm bao gồm đơn trình báo, bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân của bị hại, chứng cứ kèm theo để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng lừa đảo.

2. Tư vấn về vấn đề bị lừa đảo trên mạng

Em vừa nhận được thông tin rằng mình bị lừa đảo qua mạng facebook. Em muốn bán hàng trên facebook, em tình cờ thấy được Nick bán hàng này giá rẻ, sỉ tốt, hình đẹp nên em có xin hình để đăng lên bán. Nhưng đợt đầu chốt order thì nó kêu em chuyển khoản 50% với số tiền 2 400 000 VND. Họ nói 29/5 sẽ nhận được hàng vì hàng phải order, họ đi lấy bên thái. Nhưng đợi đến ngày đó, em vẫn chưa nhận được hàng và có lên mạng vào Nick đo thì nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, có nhiều bạn cũng rơi vào trường hợp tương tự giống em. Thứ sáu 28/5 họ kêu em chuyển hết tiền đợt một là thêm 2 400 000 nữa ạ. Vào ngày thứ bảy 27/5 thì họ kêu em chuyển khoản cho đợt 2 thì em nói có gì thứ hai em chuyển cho họ. Thứ hai ngày 29/5 em có vào ngân hàng chuyển cho họ 5 triệu đồng vào số tài khoản do họ cung cấp. Tổng thiệt hại là 9 800 000 ạ! Hiện giờ thì họ không onl và không trả lời tin nhắn của tất cả mọi người nên em cũng biết phải làm sao để lấy lại số tiền đã mất. Em mong sẽ nhận được thư hồi đáp của luật sư ạ! Em cảm ơn luật sư rất nhiều ạ! 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Minh Gia. Với nội dung câu hỏi này, chúng tôi tư vấn như sau:

Lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự như sau:

Về xử lý hành chính: Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

Theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác “phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài của của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.”

Như vậy, nếu hành vi của đối tượng lừa đảo chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó sẽ bị xử lý hành chính theo quy định nêu trên.

Về xử lý hình sự: Hành vi lừa đảo qua mạng là hành vi dung thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác nên người có hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

…”

Như vậy, thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả không đúng sự thật nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Thông tin giả có thể được đưa ra bằng nhiều cách khác nhau như lời nói, chữ viết, hành động…

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đặt hàng để bán với số tiền bạn đã chuyển đi là 9.800.000 đồng nhưng bạn không nhận được hàng. Đối tượng không online, không trả lời tin nhắn. Có thể thấy đối tượng này đã lợi dụng lòng tin của bạn để chiếm đoạt tiền, rồi bỏ trốn, hành vi này có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về vấn đề này, bạn có thể tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo quy định, tố giác tội phạm có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố giác.

Lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản trên không gian mạng là hành vi phổ biến trong thời gian gần đây, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần chủ động nâng cao nhận thức tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về thủ đoạn lừa đảo để phòng tránh.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169