LS Vy Huyền

Tư vấn nghỉ phép năm trong thời gian thử việc

Bên cạnh những ngày nghỉ lễ tết có được hưởng lương theo quy định chung của pháp luật thì ngày nghỉ hàng năm cũng là một chế độ dành cho người lao động khi làm việc cho một người sử dụng lao động. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ này người lao động cần phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.

 1. Luật sư tư vấn pháp luật lao động

Quy định nghỉ phép năm là một trong những vấn đề được nhiều người lao động quan tâm bởi lẽ ngoài thời gian làm việc có người lao động cũng cần dành thời gian cho các nhu cầu cá nhân khác của bản thân. Hiểu được nhu cầu của người lao động, đồng thời đảm bảo cho người lao động vừa được nghỉ nhưng vẫn được hưởng lương, nhà nước đã ban hành các quy định về ngày nghỉ phép năm trong Bộ luật lao động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp người sử dụng lao động tự ý quy định về vấn đề nghỉ hàng năm hoặc không cho người lao động nghỉ hàng năm đúng theo quy định. Đồng thời, do người lao động chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này do đó chưa đảm bảo được quyền lợi cho mình.

Vậy, hiện nay người lao động được hưởng bao nhiêu ngày phép năm, điều kiện hưởng cụ thể như thế nào? Các thời gian nào không được tính để hưởng phép năm? Tiền lương để chi trả chế độ này như thế nào?...

2. Thời gian thử việc có được hưởng phép hàng năm không

Câu hỏi: Dear luật sư, Vui lòng cho hỏi công ty không giải quyết phép năm trong trường hợp đang thử việc là đúng hay sai?

Tôi ra trường đã 12 năm, những người mới ra trường vào làm cũng phải thử việc 2 tháng, tại sao tôi đã có nhiều kinh nghiệm, được Tổng GĐ mời về nhưng vẫn bị thử việc 2 tháng & ko hề có 1 ngày phép nào?

Như thế là có đúng luật không? Tôi nên hỏi thăm thủ tục ở đâu để đòi lại quyền lợi? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Thân chào!

Trả lời tư vấn

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, vấn đề của bạn Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo thông tin của bạn, bạn không nói rõ thời điểm bạn xin nghỉ hằng năm là lúc nào, nên chúng tôi chia hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Xin nghỉ hằng năm trong thời gian thử việc

Thứ nhất: Công ty không giải quyết phép năm trong thời gian thử việc.

Theo quy định tại Điều 111 Luật lao động 2012 về nghỉ hằng năm “Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm…”

Do đó, nếu quy định của công ty là “không giải quyết phép năm trong thời gian thử việc” là không trái với quy định của pháp luật, vì thời gian thử việc tối đa không quá 60 ngày. Trong thời gian 60 ngày thử việc nếu người lao động nghỉ sẽ không có tiền trả phép hằng năm.

Ngoài ra, nếu như người lao động đã xin nghỉ thì Công ty sẽ cho người lao động được nghỉ,  thời gian thử việc sẽ kết thúc. Và Công ty không có nghĩa vụ phải trả tiền 1 ngày phép năm cho người lao động.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Bộ luật lao động năm 2012 thì: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.”

Thứ hai: Luật lao động 2012 quy định về hợp đồng thử việc như sau

Điều 26. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như vậy, luật không xét kinh nghiệm công tác của người lao động trong các lĩnh vực nhất định mà  luật chỉ đề cập đến thỏa thuận thử việc giữa người lao động và người sử dụng lao động, họ có thể thỏa thuận về hợp đồng thử việc hoặc không. Nếu có thỏa thuận hợp đồng thử việc thì phải không trái với quy định của pháp luật. Tức là dù bạn có kinh nghiệm 12 năm hay được giám đốc mời về thì bạn cũng phải kí hợp đồng thử việc như những người mời vào làm khác nếu công ty và bạn có thỏa thuận như vậy.

Trường hợp 2: Xin nghỉ hằng năm sau khi đã hoàn thành xong thời gian thử việc và đã ký hợp đồng chính thức

Theo quy định tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Trong đó có quy định: Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm, còn là "thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động."

Như vậy, nếu bạn đã hoàn thành xong thời gian thử việc theo hợp đồng lao động và đã ký hợp đồng chính thức với công ty thì thời gian thử việc của bạn được dùng để  tính vào thời gian xin nghỉ hằng năm. Nhưng tổng thời gian làm việc vẫn phải đủ 12 tháng theo quy định của Bộ luật lao động thì bạn mới được nghỉ hằng năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169