Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn mức xử phạt hành một số sai phạm trong lao động.

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Em tên là võ tuấn anh năm nay 25 tuổi hiện em đang làm việc tại huyện bình chánh xã vĩnh lộc b TP Hồ Chí Minh. Em có một số câu hỏi xin được giải đáp về luật lao động và bảo vệ người lao động như sau.

 

 Hiện em đang làm việc trong công ty quần áo, thời gian làm việc từ 7h sáng tới 7h tối, không được nghiỉ ngày nào kể cả chủ nhật, như vậy có sai quy định không, nếu sai công ty có chịu trách nhiệm như thế nào. Câu hỏi thứ hai là: nếu xưởng của em nhận người lao động đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và phải làm việc 12 tiếng một ngày, không ngày nghĩ kể cả chủ nhật thì có sai quy định không và phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật. Câu hỏi thứ 3: đối với những công nhân dưới 15 tuổi mà được nhận vào làm lao động được cho phép của cha mẹ và phải làm việc 12 tiếng một ngày, không ngày nghỉ kể cả chủ nhật thì công ty sẽ bị xử phạt như thế nào. Câu hỏi thứ 4: nếu như giám đốc công ty đánh đập công nhân lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bị xử phạt như thế nào và nếu muốn báo cáo những sự việc ở trên em cần đến cơ quan nào để trình báo.

Em xin hết. Xin chân thành cảm ơn !.

 

Trả lời tư vấn:

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

1. Về quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến thời giờ làm việc và nghỉ ngơi

 

Điều 104 Bộ luật Lao động 2012 về thời giờ làm việc bình thường quy định:

 

"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành".

 

Đồng thời, Điều 163 về nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên quy định:

 

"1. Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

3. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội".

 

2. Chế tài áp dụng khi công ty sai phạm trong lĩnh vực lao động

 

a. Đối với sai phạm trong vấn đề thời giờ làm việc và nghỉ ngơi của người lao động 

 

Khoản 2, 3, 4 Điều Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định:

 

"2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây

a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này".

 

b. Đối với sai phạm trong việc sử dụng lao động chưa thành niên

 

Điều 19 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về lao động chưa thành niên quy định:


"1. Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật;

b) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Khoản 2 Điều 163 của Bộ luật lao động;

c) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật lao động;

b) Sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 164 của Bộ luật lao động".

 

Đối với các sai phạm trong lĩnh vực lao động, anh/chị có thể thực hiện khiếu nại lên công đoàn cơ sở hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để thanh tra lao động về xem xét và giải quyết áp dụng các biện pháp chế tài nếu phát hiện hành vi vi phạm.

 

3. Đồi với việc lãnh đạo đánh người lao động

 

Anh/chị có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan công an địa phương. Tùy theo mức độ thương tích mà cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài phù hợp. Trường hợp đánh có sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc gây thương tích từ 11% trở lên hoặc một số trường hợp khác đáp ứng các điều kiện theo quy định của Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, thì cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định khởi tố đối với người giám đốc đã đánh người này. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành hình sự, căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, giám đốc có thể bị xử phạt hành chính mức từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi đánh nhau. 

 

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169

Trân trọng

P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh