Hoàng Thị Nhàn

Tư vấn luật nghỉ phép năm đối với người lao động

Thời gian vừa qua, vì công việc gia đình tôi phải xin nghỉ phép 18 ngày, tôi đã gửi đơn cho Công ty tôi đang làm việc trước một tháng.

 

Nội dung câu hỏi:  Tôi hiện nay là nhân viên công tác cho một công ty Cổ phần tư nhân , đã có thời gian công tác liên tục từ năm 2001 cho đến nay . Thời gian vừa qua, vì công việc gia đình tôi phải xin nghỉ phép 18 ngày, tôi đã gửi đơn cho Công ty tôi đang làm việc trước một tháng, nhưng cán bộ quản lý nhân sự của Công ty không làm thủ tục trình đơn xin nghỉ của tôi lên cấp lãnh đạo với lý do tôi xin nghỉ quá nhiều . Do bắt buộc , tôi cũng phải nghỉ và Công ty đã trừ lương tôi mà không chấp nhận trừ vào phép năm của tôi (mặc dù tôi chưa hề nghỉ phép ngày nào trong năm 2016) Xin tổng đài tư vấn pháp luật cho tôi được hỏi : Số ngày tôi được nghỉ phép hàng năm là bao nhiêu và có được hưởng quyền lợi gì theo qui định của pháp luật VN hiện tại không? Công ty của tôi đang làm đã trừ lương như vậy có đúng luật lao động không. Tôi phải làm sao? Tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 111 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về nghỉ hằng năm:

 

"1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

 

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

 

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

 

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

 

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

 

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm".

 

Điều 112 BLLĐ 2012 quy định về ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc: "Cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày".

 

Thông tin anh/chị cũng cấp: anh/chị đã làm việc từ năm 2001 đến nay, tức gần 16 năm làm việc cho người sử lao động. Theo quy định của pháp luật, anh/chị sẽ được nghỉ hằng năm là 15 ngày và hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c Khoản 1 Điều 111 BLLĐ 2012; hoặc nội quy đơn vị có quy định khác.

 

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 111 BLLĐ 2012 cho phép người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

 

Vậy, mặc dù NLĐ có quyền được nghỉ 15 ngày trong một năm và hưởng nguyên lương theo HĐLĐ (nghỉ hàng năm) nhưng vẫn chịu sự điều hành, quản lý thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NSDLĐ sao cho đảm bảo quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tức, nếu đơn vị không quy định cụ thể lịch nghỉ phép năm mà NLĐ muốn nghỉ thì cần báo cáo và được sự đồng ý của NSDLĐ (có thể bằng văn bản trả lời, hoặc bằng lời nói,...).

 

Đối với vụ việc trên, cả anh/chị và người trực tiếp quản lý đều có lỗi. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, nếu không được ủy quyền điều hành, quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ thì cá nhân trên cần kịp thời chuyển đơn tới người có thẩm quyền để quyết định; và như vậy chưa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Anh/chị có quyền cung cấp hành vi sai trái của cá nhân trên tới NSDLĐ để có phương án xử lý phù hợp. Với hành vi của anh/ chị, việc nghỉ làm nhưng chưa được sự đồng ý của NSDLĐ nên buộc phải chịu trách nhiệm; và cụ thể sẽ không được trả lương trong nhưng ngày nghỉ trên, trừ trường hợp NSDLĐ có phương án giải quyết khác.

 

Điều 116 BLLĐ 2012 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương:

 

"1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

 

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

 

b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

 

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

 

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

 

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương".

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn luật nghỉ phép năm đối với người lao động . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lê Minh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo