Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn khởi kiện hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và yêu cầu bồi thường

Luật sư tư vấn về việc: Bị người khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín trên mạng xã hội. Phải làm thế nào để bảo vệ danh dự nhân phẩm của bản thân. Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi: Xin chào Luật Sư, 1 năm trước tôi có bán cho một người bạn 1 cái áo trị giá gốc 2550 USD (Khoảng 57 triệu VND tại thời điểm), tôi bán lại với giá là 1500 USD (Khoảng 32 triệu 700 nghìn VND tại thời điểm. Bạn tôi đã chuyển khoản 1000 USD qua paypal và không có đủ tiền tại thời điểm nên phải trả thêm 10 triệu VND sau 2 tháng. Sau khi sử dụng áo khoảng 3-4 tháng sau bạn tôi nói tôi bán cho bạn tôi đồ giả và yêu cầu bồi thường đủ số tiền. Tôi không chịu hành vi này và bạn tôi đã đăng bài viết trên cộng đồng mạng bao gồm nội dung giao dịch và hình ảnh của tôi để phỉ báng danh dự. Tôi hy vọng được tư vấn quá trình và cách đưa đơn kiện cũng như lấy lại danh dự và minh bạch cho bản thân. Hiện tại tôi đang ở Hoa Kỳ, ngày 10 tháng 5 năm 2018 tôi sẽ về Việt Nam. Luật sư có thể liên lạc qua email này. Tôi hy vọng sẽ nhận được hồi âm sớm, cảm ơn luật sư rất nhiều vì đã dành thời gian và kiến thức để tư vấn giúp vấn đề của tôi. Thân!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ…

 

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ…

 

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

 

Về việc xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội có quy định như sau:

 

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”

 

Thẩm quyền xử phạt hành chính trong trường hợp này thuộc về Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, Trưởng Công an các cấp… Vì thế bạn có thể yêu cầu một trong những cơ quan này xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nêu trên, kèm theo đó là biện pháp bổ sung buộc gỡ bỏ và cải chính thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của mình.

 

Ngoài ra, nếu danh dự, nhân phẩm của mình bị xúc phạm nghiêm trọng, mức độ nghiêm trọng, phụ thuộc vào thái độ, nhận thức, mục đích của người phạm tội (mong muốn làm nhục người khác) cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; môi trường diễn ra hành vi xúc phạm, sự tác động cụ thể đối với người bị hại (bị ảnh hưởng về tâm lý ) … thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quền nơi người có hành vi có dấu hiệu tội phạm truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015:

 

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”   

 

Về thủ tục, Khoản 2 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về việc tố giác, tin báo tội phạm như sau:

 

“2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

 

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

 

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.”

 

Như vậy, bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình bằng cách tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Việc tố giác này có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.

 

Bên cạnh đó, Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

 

+) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

 

+) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

 

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

 

Như vậy, khi bạn chứng minh được thiệt hại về danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình thì bạn có thể yêu cầu người gây thiệt hại cho mình bồi thường. Mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở. Hiện nay, lương cơ sở là 1.300.000 đồng và từ 1/7/2018 tăng lên là 1.390.000 đồng.

 

Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại:

 

Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

 

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

 

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

 

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.”

 

Do đó, trong trường hợp này, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (người xúc phạm nhân phẩm, danh dự của bạn) để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự bạn có thể tham khảo tại bài viết sau:

 

Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo