Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn đòi lại tiền cọc trong hợp đồng mua bán vũ khí thô sơ

Luật sư tư vấn về vấn đề mua bán vũ khí thô sơ qua mạng Internet có đòi lại được tiền cọc khi người bán hàng vi phạm nghĩa vụ không, ở đây có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự hay không? Nội dung tư vấn như sau:

 

Chào bạn. Ngày 11/11/2017 mình có order đồ bên 1 shop online. Mình có đặt mua 2 thanh Hán kiếm về để trưng bầy và chuyển khoản trước số tiền là 5.500.000 vnd. Sau 1 tuần không nhận được hàng mình liên hệ lại shop thì shop nói hàng đó hết và bảo mình lựa lại chiếc khác thay thế để shop đổi. mình đã lựa lại và chốt với shop. Sau ngày chốt là ngày 23/11/2017. Từ ngày đó tới giờ mình không còn liên lạc lại được với shop nữa. Và mình có hỏi thì biết được ít nhất 1 người nữa cũng vướng vào hoản cảnh như mình khi đã chuyển khoản cho shop từ đầu tháng 11/2017 và tới giờ vẫn chưa nhận được hàng. Mình hiện tại ở Hà Nội và tài khoản nhận tiền là tài khoản ngân hàng tại Đồng Nai . Mình muốn hỏi là mặt hàng mình mua có ảnh hưởng tới đơn tố cáo không. Khi mình liên hệ với shop được biết shop được nhiều người quản lý một lúc vậy đây có phải là lừa đảo có tổ chức không. Tài khoản người nhận tiền tại Đồng Nai nên khi mình gửi đơn tố cáo có cần phải vào Đông Nai để giải quyết không vì rất tốn chi phí bằng đi lại và thời gian

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

 

 “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm….”

 

 Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội, việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, đòi đặt cọc để chiếm đoạt tài sản.

 

Trường hợp bạn có chứng cứ chứng minh người bán hàng có mục đích chiếm đoạt tài sản của bạn thông qua việc yêu cầu chuyển tiền trước thì bạn có thể khởi kiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bạn có thể gửi đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nơi mình cư trú mà không cần phải vào tận Đồng Nai.

 

Nếu bạn không thể chứng minh người bán hàng có mục đích chiếm đoạt tài sản của bạn ngay từ đầu, tôi xin tư vấn cho bạn phương pháp khác để đòi lại tiền cọc như sau:  Trường hợp này chúng tôi nhận thấy người bán hàng đã thông qua hình thức hợp đồng để nhận tiền của bạn nhưng không thực hiện nghĩa vụ giao hàng theo đúng thỏa thuận của hợp đồng và có hành vi trốn tránh nghĩa vụ này. Tuy nhiên, theo Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng này vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật

 

“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

 

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

 

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

 

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

 

Theo quy định tại Điều 3 - Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì “vũ khí bao gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”“vũ khí thô sơ là các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ...”. Pháp lệnh cũng quy định, một trong các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5 của pháp lệnh là mua bán trái phép vũ khí, bao gồm cả dao, gươm, kiếm… thuộc loại vũ khí thô sơ.

 

Vì vậy, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng này là vô hiệu. Và theo đó không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, lúc này bạn có thể đòi lại được số tiền đã đặt cọc.

 

Chúng tôi có một lưu ý đặc biệt gửi tới bạn như sau, tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

 

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

 

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;…”.

 

Căn cứ vào quy định này, hành vi của bạn đó là mua vũ khí thô sơ mà không có giấy phép. Với hành vi này sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài xử phạt tiền, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm thì bạn và người bán hàng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 233 Bộ luật hình sự 1999 về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ”.

 

Từ những quy định pháp luật và những lập luận trên, tôi hi vọng rằng bạn sẽ cân nhắc thật kỹ về số tiền cọc đòi được và số tiền xử phạt vi phạm, trách nhiệm hình sự có thể phải chịu để có thể lựa chọn được cách giải quyết đúng đắn nhất cho mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169