Tư vấn chế độ hưu trí
Quy định của pháp luật về điều kiện và thủ tục để hưởng lương hưu.
Câu hỏi:
Mẹ em có 18 năm công tác là nhân viên trong ngành giáo dục tại BT. Đóng bảo hiểm xã hội được 18 năm. Ngay khi kết thúc công tác và chuyển công tác đã thanh toán sổ bảo hiểm và nhận trợ cấp 1 lần.Thời gian sau mẹ em chuyển vào Thành phố sinh sống và công tác tại Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu khu vực 2.(Chức vụ: Công nhân thuộc ngành lao động độc hại ) Đến hết tháng 4/2016 mẹ em được 15 năm công tác. Mẹ em sinh vào ngày 20/10/1963 - đến nay là được 53 tuổi. Hiện tại vào thời điểm này nếu mẹ em xin nghỉ sớm để về hưu thì sẽ được hưởng chế độ như thế nào? Mẹ em có đủ thâm niên để nhận lương hưu không? Mẹ em cần làm những thủ tục nào để nhận được lương hưu.Rất mong nhận được hồi âm của luật sư. Chân thành cảm ơn.!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, thời gian 18 năm mẹ bạn công tác và đóng bảo hiểm xã hội trong ngành giáo dục do đã được hưởng trợ cấp một lần sau khi hoàn tất thủ tục nghỉ việc nên thời gian đóng bảo hiểm xã hội đó sẽ không bảo lưu để được cộng vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi mẹ bạn tham gia công ty sau để được hưởng chế độ hưu trí. Do đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí của mẹ bạn là 15 năm công tác trong công ty bán lẻ xăng dầu 2.
Căn cứ theo Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lưu hưu như sau:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
….
Như vậy, người lao động nghỉ việc khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu: Nam từ đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; Nam từ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại thuộc danh mục do bộ lao động- thương binh và xã hội, bộ y tế ban hành.
Trong trường hợp này mẹ bạn chưa đủ điều kiện để được hưởng lương hưu vì: mặc dù mẹ bạn năm nay 52 tuổi và có 15 công tác, làm nghề lao động độc hại nguy hiểm nhưng bác mới đóng được 15 năm bảo hiểm xã hội mà theo quy định của pháp luật thì khi nghỉ việc phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mới được hưởng lương hưu. Do đó, nếu bác muốn nghỉ hưu vào năm 2016 thì bác phải tham gia đóng đủ 5 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện, để đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Nếu mẹ bạn thực hiện nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2016 và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì bác sẽ được hưởng trợ cấp một lần theo điểm a khoản 1 Điều 60 “Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
Về thủ tục để hưởng bảo hiểm xã hội. Căn cứ theo điều 108 luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về hồ sơ hưởng lương hưu như sau:
1. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội;
b) Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này.
2. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội;
b) Đơn đề nghị hưởng lương hưu;
c) Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù;
d) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối vớitrường hợp xuất cảnh trái phép;
đ) Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn chế độ hưu trí. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất