Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp vận chuyển lá cần sa?

Trường hợp đối tượng bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý (ở đây là lá cây cần sa) được đưa về cơ quan công an cấp phường để điều tra. Sau đó 24h đối tượng bị chuyển lên công an quận tiếp tục điều tra khai thác.

Xin hỏi luật sư, trong trường hợp này khi đối tượng là người chưa có tiền án tiền sự, lúc gây án trong người đối tượng có khối lượng hàng <100gram thì sẽ bị kết tội như thế nào?


Truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp vận chuyển lá cần sa?
Vận chuyển chất ma túy

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa xác định được cụ thể A có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hay mua bán trái phép chất ma túy do đó chúng tôi chia thành các trường hợp sau:

Thứ nhất, về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy

Điều 249 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội tàng trữ trái phép chất ma túy như sau:

“1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

…”

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, số lượng lá cây cần sa mà đối tượng A tàng trữ có khối lượng <100 gam thì chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Trường hợp này A sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Thứ hai, về hành vi mua bán trái phép chất ma túy

Điều 251 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội mua bán trái phép chất ma túy như sau:

“1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;

g) Qua biên giới;

h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

…”

Như vậy, căn cứ theo quy định này thì hành vi mua bán chất ma túy không phụ thuộc vào khối lượng chất ma túy là bao nhiêu đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán trái phép chất ma túy với mức phạt từ 02 năm đến 07 năm.

Trân trọng! 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169